Bếp ăn từ thiện ở khu vực trung tâm TP.HCM bền bỉ đỏ lửa suốt nhiều năm nay, đã làm ấm bụng biết bao người nghèo khó, trong đó có không ít học sinh, sinh viên.
Chuyển giao cà mèn
Vừa tan học, hai sinh viên thuộc Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM là Nguyễn Thị Lĩnh (quê Nghệ An) và Đinh Văn Vực (quê Bình Định) vội vã đèo nhau trên xe đạp đến điểm nhận cơm trưa miễn phí. Đó là căn bếp khá chật ở số 44 đường Rạch Bùng Binh, P.10, Q.3, TP.HCM. Trước Lĩnh và Vực, đã có khá nhiều trẻ mồ côi, người khuyết tật, cụ già neo đơn cùng những lao động thu nhập thấp trên địa bàn đến nhận khay thức ăn và cơm. Cách đấy không xa là điểm nhận cơm thứ hai của bếp ăn dành riêng cho bệnh nhân tâm thần. Cả hai bếp này đều do Ủy ban MTTQ VN P.10, Q.3 quản lý và Chi hội Huỳnh Mai thuộc Hội Bệnh nhân nghèo tài trợ. Bình quân mỗi ngày, hai điểm phục vụ gần 100 suất ăn trưa miễn phí.
Lĩnh cho biết, những chiếc cà mèn cô lãnh cơm cho mình và nhận giùm một số sinh viên khác đều do bếp ăn này tặng. Người nào ra trường sẽ trao lại chiếc cà mèn nghĩa tình được giữ gìn cẩn thận cho lớp đàn em. Chỉ riêng năm học này, có 18 sinh viên là con em dân tộc thiểu số hoặc gia đình sống trong vùng bão lũ trở thành “thực khách” thường xuyên của bếp ăn.
Không chồng con, không nhà cửa, bà Huỳnh Thị Sanh (82 tuổi, ở trọ P.10, Q.3) là một trong những “khách hàng thân thiết” của bếp ăn suốt 15 năm qua. Giọng nói còn hổn hển vì mệt sau khi đi bộ đến nhận cơm, bà Sanh kể: “Tui bị nhồi máu cơ tim, vừa rồi đi cấp cứu mấy lần. Nếu không có bếp ăn từ thiện này, tui không biết tuổi già của mình trôi về đâu”.
Với những người bị tâm thần, bệnh tật… không thể đến nhận trực tiếp, mấy cô chú ở bếp ăn chu đáo mang cơm đến tận nhà cho họ. Đã có không ít những gia đình cả ba thế hệ lần lượt thoát cảnh túng quẫn nhờ những căn bếp chật hẹp mà rộng mở tình người này.
Lòng tốt nhân lên
Người thành lập kiêm phụ trách bếp ăn từ thiện này suốt bao năm qua chính là bà Nguyễn Thị Phương, 70 tuổi, cựu chiến binh, nay là Trưởng ban mặt trận và là Phó ban điều hành khu phố 4, P.10, Q.3. Bà Phương cho hay, bếp từ thiện này ra đời từ năm 1997. Trong một thời gian dài, bếp “di động” qua những nhà dân. Đến năm 2010, UBND P.10, Q.3 cấp mảnh đất nhỏ ở số 44 Rạch Bùng Binh làm bếp ăn ổn định. Sát cánh chăm lo bếp ăn với bà Phương ngay từ những ngày đầu thành lập đến tận bây giờ là chị Huỳnh Thị Nở - chuyên nấu ăn phục vụ những người tâm thần trong chính căn nhà nhỏ của gia đình chị.
Bên cạnh đó, đôi vợ chồng Nguyễn Văn Cư và Duyên Minh Châu cũng tình nguyện gắn bó với bếp ăn hơn 5 năm qua, mặc dù hoàn cảnh của họ khá khó khăn. Chị Châu bộc bạch: “Lúc gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn nhất, cô Phương đã đứng ra quyên góp, hỗ trợ mọi thứ. Nhiều năm liền cô đóng học phí cho đứa con trai khuyết tật của chúng tôi. Không có gì đền đáp, chúng tôi chỉ biết đồng hành làm từ thiện với cô”. Được biết, bấy lâu nay gia đình bà Phương đều đặn đóng góp từ 2-3 triệu đồng/tháng để giúp bếp ăn và hỗ trợ ít nhất 5 suất học bổng/năm cho học sinh, sinh viên nghèo.
Tại bếp ăn, chúng tôi còn gặp một số người dân thầm lặng đóng góp công sức cho bếp. Đó là chị Đặng Thị Kim Lan, em dâu chị Châu, thường xuyên phụ nấu nướng sau những giờ bán bánh mì dạo; hay anh thợ hồ Phạm Minh Long tự nguyện chở cháo dinh dưỡng cho người già, trẻ em…
“Bác sĩ khuyên tôi bớt làm việc, kẻo đau tim nặng và ảnh hưởng tới tính mạng. Thật sự, nhiều lúc dang nắng dang mưa hoài suýt ngất xỉu, tôi cũng muốn nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng thấy những người nghèo khó đang chờ mình, thế là lại vùng dậy. Còn chút sức lực nào thì cứ làm…”, bà Phương chia sẻ.
Bà Phương “xì ke”
Đó là biệt danh một thời của bà Nguyễn Thị Phương, do
trước đây bà từng tiếp cận, vận động 109 thanh thiếu niên trên địa bàn
đi cai nghiện ma túy.
Ngoài hai bếp ăn từ thiện, đến nay bà Phương đã vận động
những nhà hảo tâm xây tặng gần 20 căn nhà cho người nghèo tại TP.HCM và
một số tỉnh thành khác, giúp rất nhiều bệnh nhân chữa bệnh và mổ tim,
trao hàng trăm suất học bổng và xe đạp cho học sinh,sinh viên, phụ nữ
nghèo… Bà đã nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bằng khen
cấp trung ương và địa phương.
|
Như Lịch
Source: thanhnien.com.vn
0 nhận xét:
Sẻ Chia Yêu Thương
Những tấm gương người tốt việc tốt, những câu chuyện cảm động về tình cảm giữa con người với con người luôn có mặt trong đời sống của mỗi chúng ta. Nếu bạn bắt gặp những câu chuyện ấy, xung quanh mình, hay ngay chính cuộc sống của mình, hãy chia sẻ với Hoa Tâm theo địa chỉ: Hoatam@outlook.com