December 20, 2013

Cô giáo về hưu xây cầu cho dân đi

(Dân trí) - Tự mình gom góp những đồng lương hưu ít ỏi tích cóp sau mấy mươi năm dạy học, cô giáo về hưu tự nguyện bỏ tiền túi của mình, vận động nhiều giáo viên khác cùng những học trò cũ xây một cây cầu cho người dân để họ không phải thấp thỏm lo âu vào mùa lũ.

Người có nghĩa cử cao đẹp đó là cô Bùi Thị Một, cựu giáo viên dạy văn Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). 

Về làng Hà Tân (xã Đại Lãnh), hỏi nhà cô Một, ai cũng nói “Nhà cô Một xây cầu hả” rồi họ chỉ về phía cuối làng nơi nhà cô nằm ngay bên bờ sông Côn.

Người làng Hà Tân xưa nay cứ vào mỗi mùa mưa bão phải thấp thỏm lo âu về việc đi lại. Nhiều người bị té ngã, bị thương tích đầy mình khi phải đi qua cây cầu tạm bắc qua sông Côn xập xệ. Mùa mưa, nước sông Côn dâng cao chia cắt người dân trong thôn với bên ngoài, vậy là người dân phải đi vòng vèo mới có thể ra ngoài được. Có biết bao nhiêu vụ té ngã vì qua cầu tạm mà người dân ở nơi đây không thể nào đếm xuể. Cụ Trần Văn Thường (75 tuổi) còn nhớ như in vào mùa lũ năm ngoái, cụ đạp xe băng qua cầu tạm thì không may bị dòng nước xoáy kéo chiếc xe đạp trượt ngã xuống dòng nước.

“May lúc đó tôi vững chân trụ lại được với dòng nước, còn chiếc xe đạp cũ bị dòng nước xiết cuốn đi. Cũng từ đó, mỗi khi qua đây đều thấy sợ.” - cụ Thường nhớ lại. Còn với em Phạm Thanh Hải (học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ) lại có một phen hú vía khi qua cầu cách đây không lâu.

“Hồi đó cầu chỉ là cầu tạm với những tấm đan bê tông. Lúc đó trời mưa to em đi bộ qua cầu thì không may bị thụp chân xuống hố. May chỉ bị trầy xước nhẹ. Sách vở của em bị ướt hết.” - Hải cho biết.

Trăn trở với những khó khăn của người dân khi qua cầu tạm đã xuống cấp nghiêm trọng, với lòng yêu thương các học trò của mình khi phải run sợ khi qua cầu tạm và trách nhiệm của một người Bí thư chi bộ thôn, cô Một đã tìm phương án vận động nguồn kinh phí xây cầu mới. “Địa phương mình còn nghèo, nguồn ngân sách xã cũng còn eo hẹp nên mình muốn đóng góp một cái gì đó cho quê hương khi còn sức lực” - cô Một bày tỏ.

Nghĩ là làm, cô Một đã dùng những đồng lương hưu của mình đóng góp vào nguồn ngân sách xây cầu rồi vận động những đồng nghiệp, những người bạn hưu trí của mình cùng chung tay góp sức xây dựng cầu cho bà con an tâm đi lại. Hơn 40 người con của quê hương Đại Lãnh, 12 giáo viên về hưu bạn bè của cô cùng hàng chục các thế hệ học trò đã cùng chung tay đóng góp công sức, tiền của để cây cầu sớm được hoàn thành. Cựu học sinh của cô đang học ở trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã về vùng quê Đại Lãnh để cùng thiết kế bản vẽ và dự trù kinh phí xây cầu. Hơn 1 tháng xây cầu, các học trò của cô thay nhau về giám sát kỹ thuật, đôn đốc công trình để cây cầu hoàn thành đúng thời gian dự kiến.
“Mấy chục năm dạy học bây giờ thấy học trò cũ mình về nhiệt tình với công việc như vậy, tôi thấy cảm động, ấm áp lắm. Trong 1 tháng xây dựng cầu, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tôi lúc nào cũng thấy vui trong lòng vì đã làm được một việc có ích cho bà con chòm xóm”- cô Một nghẹn ngào nói.
Bà con làng Hà Tân giờ đã có cầu mới.

Sau 1 tháng xây dựng, tháng 4 năm 2013, cây cầu mới mang tên Bàu Làng đã hoàn thành với chiều dài 6 m, rộng 4 m, dầm bê tông dày gần 10 cm, tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Ngày khánh thành cầu, nhiều người dân làng Hà Tân không cầm được dòng nước mắt hạnh phúc vì không còn phải lo sợ khi đi qua khúc sông này nữa.

Bà Trương Thị Minh Phương - phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: “Chính quyền địa phương rất cảm ơn và ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của cô giáo Bùi Thị Một khi đã xây một cây cầu vững chắc cho nhân dân an tâm đi lại. Cô xứng đáng là một điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.”

Hà Thế An

November 8, 2013

“Hôm nào nhà hết gạo, cháu lại ăn chuối… thay cơm”

(Dân trí)- Lời thằng bé như mũi dao đâm vào trái tim chị: “Nếu một mai con chết đi, con sẽ phù hộ cho vườn chuối của mẹ lúc nào cũng ăm ắp quả để mẹ bán có tiền. Như thế thì mẹ sẽ không còn lo bị đói nữa và con cũng sẽ yên tâm”…

Ngồi lặng lẽ một mình ở dãy ghế trước cửa phòng bệnh của con, người mẹ nghèo Nguyễn Thị Nụ không ngừng khóc. Đôi mắt đỏ hoe, giọng mếu máo, chị cho biết: “Con vừa nhập viện ngày hôm qua, hôm nay phải đi đóng tiền viện phí nhưng tôi không có tiền cô ạ. Mỗi lần lên viện, bác sĩ đã cho hẹn từ trước rồi nhưng không làm cách nào có tiền cả, mà con thì đau đớn quá nên cứ đánh liều mang cháu lên bệnh viện thôi”.

Bị căn bệnh ung thư máu đã 3 năm khiến cơ thể của Vũ trở nên yếu ớt.

Nằm trên giường bệnh, cậu bé Nguyễn Tuấn Vũ dù đã 14 tuổi nhưng yếu ớt, gương mặt sạm đen và đôi mắt đang đỏ hoe, ăm ắp nước. Có lẽ em cũng đã biết mẹ không có tiền đóng viện phí nhưng lực bất tòng tâm nên tủi thân nằm khóc. Liên tục lấy tay gạt nước mắt, có lúc em lại cố tình lấy chiếc gối che mặt đi vì sợ những ánh mắt đang nhìn mình. 

Đánh liều đưa con lên viện nhưng chị Nụ không có lấy một đồng đóng viện phí.

Tháng 10/2010, từ một cậu bé khỏe mạnh, chăm chỉ lam làm giúp mẹ, Vũ đột ngột lên cơn sốt và sau đó không lâu được phát hiện căn bệnh ung thư máu. Kết quả về căn bệnh của con khiến chị Nụ như chết điếng người, đợt lên bệnh viện Huyết học và truyền máu TW lần đầu tiên, cả mẹ, cả con đều ngất lên ngất xuống buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm, láng giềng.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo ở đội 7, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, mọi thu nhập của gia đình đều trông chờ vào những nải chuối trồng được ở vườn. Những năm con chưa bị bệnh, mỗi nải chuối chín chị cũng bán được dăm, ba chục nghìn, tằn tiện cũng đủ tiền thức ăn hàng ngày. Nhưng từ 3 năm nay, dù có lúc chặt cả vườn chuối đi bán nhưng cũng chẳng thấm vào đâu cho một lần con đi viện.

Căn bệnh khiến cho Vũ phải nghỉ học, thay bằng đôi tay để viết chữ, hàng ngày em phải chịu kim truyền hóa chất.

Nhớ lại khoảng thời gian trước kia,chị Nụ rưng rưng cho biết: “Ngày ấy, hôm nào nhà hết gạo là thằng Vũ lại ăn chuối thay cơm rồi đi học. Thằng bé ngoan lắm, chẳng bao giờ đòi hỏi tôi cái gì cả, nhiều hôm nó còn mang chuối đi bán cho mẹ nữa vì sợ mẹ đi nhiều vất vả. Ấy thế là đánh đùng một cái, giờ thì nó chỉ nằm bẹp một chỗ thế kia”.

14 tuổi, Vũ không còn nhỏ để mơ hồ về căn bệnh của mình nữa. Bao nhiêu lần chứng kiến cảnh các bạn lần lượt ra đi, em biết rồi sẽ có ngày mình cũng dời xa mẹ như thế. Nhưng khái niệm về “cái chết” vì căn bệnh ung thư với một cậu bé như em sao tàn nhẫn, trớ trêu đến vậy. Nhiều đêm giật mình tỉnh giấc, Vũ sợ đến toát mồ hôi bởi người bạn nằm cạnh giường mình lên cơn co giật rồi cứ lịm dần chẳng bao giờ tỉnh lại nữa. Thương con, chị Nụ chỉ biết ôm chặt lấy thằng bé nhưng tiếng nấc nghẹn mãi không thôi cho đến khi trời sáng. 

Thương mẹ nhưng bản thân Vũ không biết làm cách nào cả nên lúc nào cũng buồn thiu.

Lần này đi viện, cũng như những lần trước, không có tiền nên mỗi lần đi mua cơm, chị chỉ dám mua một suất cho con, còn bản thân mình thì nhịn vậy. Những lúc con yếu người, chỉ ăn được một chút lại là những bữa mẹ có cái ăn vì suất cơm thừa nhưng nước mắt mặn chát chan cả vào âu cơm. Sức khỏe của con ngày một yếu dần, bác sĩ cho biết Vũ đang trong tình trạng suy tủy, suy gan và các bộ phận khác trong cơ thể nên chị lo lắm. Từng giây, từng phút trôi qua ở bệnh viện, không lúc nào dời mắt khỏi con vì sợ điều chẳng lành sẽ đến.

Sức khỏe ngày một yếu, em chỉ có điều ước "Nếu chết đi sẽ phù hộ cho vườn chuối của mẹ ăm ắp quả để mẹ không lo đói".

Ngồi gần phía Vũ đang nằm truyền hóa chất, đôi mắt em mờ đục, yếu trông thấy, em nói với tôi: “Cháu thấy mệt lắm cô ạ. Có khi nào cháu không sẽ không sống được nữa không cô?”. Câu hỏi của em khiến tôi giật mình, thảng thốt không biết trả lời sao. Không lẽ, thằng bé đang đếm ngược từng phút trôi qua được gần bên mẹ để rồi nghĩ đến ước mơ “phù hộ cho vườn chuối của mẹ luôn ăm ắp quả” như nó đã nói với chị Nụ?. Nghĩ đến câu nói của Vũ, tôi càng lo sợ hơn cho chị Nụ bởi không biết người mẹ thương con hơn chính mạng sống của mình sẽ ra sao khi một mai không còn đủ sức giữ con trên cõi đời này nữa.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1220: Anh Nguyễn Văn Hà và chị Nguyễn Thị Nụ (Đội 7, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên)
Số ĐT: 01677.203.585
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487 
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank: Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 


Phạm Oanh

'Thiên thần' của những bệnh nhân phong

"Cô ăn tạm miếng sắn", một chị ngọng líu đặt 2 miếng sắn nóng hổi lên bàn y tá Xuân. Lát sau, một cụ bà què cụt cũng mang đến vài đốt mía. Như lần trước, nữ y tá mỉm cười cảm ơn.

Nắng sớm len lỏi qua then cửa sổ, nhẹ hắt lên khuôn mặt hiền từ của một phụ nữ phúc hậu. Trên chiếc bàn phủ tấm khăn hoa, y tá Nguyễn Thị Xuân (57 tuổi) chuyên tâm nghiên cứu cuốn sách vừa được phổ biến về quyền của người khuyết tật. Đa phần bệnh nhân phong đã vào trại vài chục năm, nhiều người còn không biết chữ nên bà phải đọc kỹ để giúp họ nhận đủ quyền lợi của mình. Với những bệnh nhân phong, bà như người thân.

Y tá Xuân chăm sóc cho những bệnh nhân phong hàng ngày. Trong ảnh, ông Hiền (75 tuổi) bị cụt cả chân tay. Giờ ông còn bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ảnh: Phan Dương. 

Y tá Xuân sinh ra trong gia đình có 5 chị em ở Quế Võ (Bắc Ninh), thuở lên 3 đã mất mẹ, lên 10 mất cha. Lớn lên bà làm nghề dạy mẫu giáo. Cuộc đời bà cứ bình lặng trôi bên đám trẻ và yên ổn làm một con chiên ngoan đạo cho đến năm 31 tuổi. 

"Lần đầu vào trại phong Quả Cảm, tôi gặp cụ ông 84 tuổi. Cụ nằm trên mấy ván gỗ ghép lại ở góc nhà tối om, mùi thịt thối rữa kinh khủng. Cụ cô độc, chỉ mong được gặp con cháu lần cuối nhưng không người thân nào vào thăm", bà Xuân kể và cho biết đã an ủi, tắm rửa, hẹn tuần sau lại lên với cụ. Thế nhưng tuần sau lên thì cụ đã mất. Chỉ có 4 người khiêng cụ chôn dưới chân núi, không con cháu, không một tiếng khóc thương, một vành khăn trắng.

Cũng từ đó, cứ ngày nghỉ là cô giáo Xuân lại lén đến trại phong. Cô không ngại bế cõng, tắm rửa, đút cơm cháo hay dọn phân cho những bệnh nhân bị con "ma hủi" ăn mòn từng ngón chân, ngón tay. Người thân nói cô là gàn dở, thần kinh... Buồn nhưng cô vẫn bỏ ngoài tai để đến với những người bất hạnh.

"Tôi cũng sợ lắm, sao mà chịu được khi vào những căn phòng nặng mùi thối rữa. Thời gian đầu tắm rửa, dọn phân, bế cõng người bệnh là tôi phải cầu nguyện xin được tiếp sức, phải xem họ như cha mẹ, người thân của mình", y tá Xuân từ tốn nói.

Sau nửa năm lặng lẽ chăm sóc bệnh nhân, lãnh đạo trại phong Quả Cảm đề nghị nhận bà Xuân về làm y tá. Năm 1988, bà giã từ nghề dạy học vào Quy Nhơn học trung cấp y. Học xong bà phải chờ hơn một năm mới có quyết định công tác của tỉnh Hà Bắc (tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trước đây) vì không ai tin lại có người tình nguyện vào trại hủi.

Trong khoảng thời gian chờ việc, y tá Xuân đi khắp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam... và tìm được 11 trại phong. Đến mỗi nơi bà đều ở lại một thời gian chăm sóc người bệnh. Nhờ chuyến đi này mà bà thiết lập được đầu mối với trại phong ở các tỉnh. Từ ngày đó đến nay bà đã giúp được họ tiền nước nắm hàng tháng và tiền học bổng cho con người bệnh từ các cấp nhỏ lên đến đại học, sau đại học.

"Tuy số tiền ủng hộ không nhiều nhưng nhà ai cần trâu cho trâu, cần nhà cho nhà, hay cần tiền lo việc đại sự cho con cái mình vẫn có thể giúp đỡ. Đợt trước xây được 30 ngôi nhà ở Điện Biên, cho mỗi nhà một con trâu, đến nay họ báo lại đã có đàn trâu rồi", y tá Xuân cười hiền từ.

Cặp vợ chồng anh Vị, chị Và nên duyên nhờ y tá Xuân mai mối. Ảnh: Phan Dương. 

Ngày nay xóm nhỏ của bệnh nhân trại phong Quả Cảm nằm sau Bệnh viện Phong và Da Liễu (Bắc Ninh). Xóm có 100 cụ ông, cụ bà, 26 cháu nhỏ và 22 con cháu của bệnh nhân đã lập gia đình vẫn sinh sống ở đây. Mỗi gia đình/cá nhân một phòng, có đường đi lối lại sạch sẽ. 

Hầu hết con cái của bệnh nhân phong đều được y tá Xuân giúp đỡ cho đi học và có công việc ổn định. Năm ngoái bà vận động xây được hơn 500 ngôi mộ vô danh cho những bệnh nhân phong đã mất. Mỗi tháng ngoài hưởng tiền trợ cấp đủ sống tằn tiện, họ vẫn có đất để trồng rau, chăn nuôi kiếm thêm. 

Chăm lo cho bệnh nhân phong từ cái ăn, cái mặc, "thiên sứ" này còn nâng niu họ từng bước chân. Năm 1991, bà Xuân vào TP HCM học gò sắt làm chân giả. Trong suốt 7 năm, bà đã làm hàng trăm đôi chân giả đủ chất liệu cho bệnh nhân ở đây và các trại phong lân cận. Đến năm 1999, bà lại vào Quy Hòa (Quy Nhơn) học làm dép chỉnh hình cho những đôi chân cụt.

Ngày nay cuộc sống của người phong đã đỡ khó hơn trước nhưng vẫn còn những điều khiến y tá Xuân không nguôi trăn trở. Có người ốm, mất không người thân đến thăm. Có người nhà cách đây chỉ chục km, mong một lần về thắp hương cho cha mẹ cũng không được... 

Đa phần bệnh nhân phong sống cô độc, bị người thân xa lánh. Riêng cụ Hiền là trường hợp may mắn hiếm hoi. 4 tháng nay, anh Đức (Hà Nội) bỏ vợ con, công việc lên đây chăm bố. Lúc nào bên giường ông cụ cũng có 2 cốc nước trắng, sữa hoặc hoa quả. Ông cụ bị hoại tử vùng mông không đi ngoài được.

"Có đêm Đức phóng xe ra thành phố mua thuốc tốt cho bố. Lúc về sợ các cụ khó ngủ, anh dắt xe từ cổng vào. Chăm sóc bố, Đức cũng giúp đỡ các cụ bên cạnh. Nếu cụ nào cũng có người con như Đức thì tôi sẽ bớt đi phần trăn trở", y tá Xuân chia sẻ.

Dù được nghỉ hưu nhưng y tá Xuân vẫn xin ở lại trại phong để tiện ngày đêm chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Phan Dương. 

Trong một căn nhà sơn xanh phía sau Bệnh viện Phong và Da Liễu (Bắc Ninh), ông Bích (68 tuổi, Thanh Hóa) bồng đứa cháu hơn 2 tuổi bằng đôi tay què cụt. Ông cười nói: "Nhờ cô Xuân cứu giúp mà cuộc đời tôi mới được thế này".

So với xung quanh, căn nhà ông Bích mới, rộng nhất. Trong nhà có đầy đủ đồ đạc cần thiết. Ngoài sân cô con dâu đang phơi quần áo. Anh con trai làm cơ khí ngoài thành phố cũng vừa về. "Ngày tôi bệnh nặng chuyển vào đây được bà Xuân chăm sóc. Lúc khỏe lên thì bà ghép cho lấy vợ. Con của tôi được bà Xuân nuôi ăn học từ nhỏ lên trung cấp, đại học và xin việc cho. Năm 2002, tôi bị dạ dày thập tử nhất sinh cũng nhờ bà đưa đi viện. Tất cả người lớn nhỏ ở trại phong Quả Cảm đều được bà Xuân cứu giúp", ông Bích cho biết.

Cách đây một năm bà Xuân được nghỉ hưu nhưng vẫn xin tiếp tục cống hiến phần đời còn lại cho bệnh nhân phong. Hàng ngày bà lo mọi chuyện "thập cẩm" như sửa đinh, lắp chân giả, kêu thợ sửa nhà cho các cụ hay lo ma chay, cưới hỏi... Tuy những công việc "nhỏ nhặt" nhưng lại không thể thiếu bàn tay nữ y tá này.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu (Bắc Ninh), y tá Nguyễn Thị Xuân đã có 26 năm công tác ở bệnh viện, được bệnh nhân kính trọng, đồng nghiệp yêu quý. Bà Xuân không lập gia đình mà dành cuộc đời mình cứu giúp những bệnh nhân phong. Bà đã được nhiều giấy khen của tỉnh, trung ương nhưng với bà, phần thưởng vô giá nhất là đã giúp những bệnh nhân phong tự tin được trở lại làm người bình thường.

Nguồn : http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/thien-than-cua-nhung-benh-nhan-phong-2904486.html

October 30, 2013

Không Có Hiếu - Đừng Bất Hiếu - ĐĐ Thích Trí Huệ


Thập Thiện Nghiệp Đạo- ĐĐThích Trí Huệ


Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng)

(PGVN)

...Các gian liền nhau, đều có kiến trúc mái tầng, nhưng được sắp đặt rất khoa học, thoáng đãng nhưng không quá loãng, gần nhau nhưng không san sát tới mức vướng tầm mắt.

Không ít lần vãn cảnh chùa, được đi thăm thú nhiều nơi, cũng có lần đến gần nửa ngày thăm viếng một ngôi chùa miền biển như ở Sầm Sơn, Đồ Sơn, Nam Định… nhưng, lần đầu tiên về với chùa Linh Ứng - Bãi Bụt, Sơn Trà, Đà Nẵng một ngày giữa tháng 10; một quần thể kiến trúc “tân cổ giao duyên”, kết hợp kiến trúc chùa truyền thống, xen lẫn những chấm phá nét hiện đại khiến tôi chỉ muốn ở lại thật lâu…
Một lối dẫn lên chùa
Khoảng không gian “bán sơn” rộng khắp, theo góc nhìn riêng của tôi như chừng một phần quả núi được san bằng, ngự trên đó là một quần thể kiến trúc được bố trí đơn giản nhưng rất hiệu quả. Gian chính điện Tam Bảo và gian Nhà Tổ (bên trong một mặt đặt tôn tượng Đạt Ma Tổ Sư, một mặt đặt tôn tượng Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi) nối cách nhau một khoảng sân, có mái ngói che chắn. Sát gian Nhà Tổ là hai gian nhà khách mới xây, trong đó có một gian được bố trí theo cạnh chữ U.

Ngay khoảng sân áp lưng gian Chính điện, nhìn hướng Nhà Tổ là một “vườn tượng Phật” nhỏ với tôn tượng Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng đồng, còn lại là tôn tượng Đức Phật Bổn Sư, tôn tượng Phổ Hiền Bồ Tát và Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tôn tượng Đức Phật Di Lặc, tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bằng gỗ trông thật đẹp.

“Vườn tượng Phật”


Nơi gian Chính điện Tam Bảo uy nghiêm thanh tịnh, chính giữa là tôn tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bên phải là tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, và bên trái là tôn tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát. Sảnh trước gian chính điện, một bên là tôn tượng Diện Nhiên Vương Bồ Tát, bên kia đặt tôn tượng Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát. Thẳng hướng chính điện là “Vườn La Hán” nhìn ra biển, nơi đặt tôn tượng 18 vị La Hán được tạc bằng đá trắng nguyên khối. 

Toàn bộ mái chùa và các gác mái, thay vì lợp ngói đỏ, sơn màu nâu hoặc đỏ nâu, đều phủ một màu xanh trúc dịu mát. Các gian liền nhau, đều có kiến trúc mái tầng, nhưng được sắp đặt rất khoa học, thoáng đãng nhưng không quá loãng, gần nhau nhưng không san sát tới mức vướng tầm mắt.

Dù ở không gian nào, bên trong hay ngoài trời, không khí vẫn trong lành, mát dịu. Bên ngoài, khi có ánh nắng mặt trời, các khoảng sân đều được lấp đầy ánh nắng, nếu đứng từ trong nhìn ra, như nơi gian nhà khách sát Nhà Tổ chẳng hạn, bạn sẽ thấy một thảm nắng vàng lung linh, từng làn gió biển mát rượi xa đưa thật khoan khoái…

Những hình ảnh chùa Linh Ứng - Bãi Bụt, Sơn Trà, Đà Nẵng:


Vườn Lộc Uyển

Ban thờ Đạt Ma Tổ Sư nơi gian Nhà Tổ

Khoảng sân nhìn từ gian Nhà Tổ







Bên trong chính điện Tam Bảo

Diện Nhiên Vương Bồ Tát

Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát



Vườn La Hán

Một khoảng sân sau nhìn ra nơi đặt tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá nguyên khối cao 63,3 mét





Kiến trúc "tân cổ giao duyên" lạ mà đẹp
Thường Nguyên

Hãy giúp sức nữ sinh viên bị khối u tràn mặt

TTO - Từ lời kể của một người bạn, chúng tôi vượt hơn 100 km đến ấp Ninh An, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) để gặp Phan Thị Mỹ Tuyền - 20 tuổi, sinh viên khoa Quản trị - Kinh doanh Trường Đại học Bình Dương.

Trong căn nhà tối om được quây tạm bợ bằng những tấm tôn rỉ sét, Tuyền nằm thở hổn hển với khối u to trên mặt. Bước chân vào đại học tưởng chừng như cánh cửa tương lai đã mở với Tuyền, không ngờ vào năm 2012 cô mắc phải khối u ác tính trong hốc mũi. Kể từ ngày đó, Tuyền phải tạm rời xa giảng đường để chữa bệnh. Gia đình đã cố gắng hết sức nhưng vì quá nghèo nên đành đưa em về nhà uống thuốc Nam cầm chừng.
Phan Thị Mỹ Tuyền với khối u trên mặt
Hơn ba tháng nay, khối u trên mặt Tuyền đã to ra rất nhanh và choáng hết khuôn mặt xinh xắn của cô nữ sinh ngày nào. Từ một cô sinh viên năng động 46 kg giờ đây Tuyền chỉ còn 25 kg với thân hình da bọc xương. Biết chúng tôi đến, mặc dù mắt đã không còn nhìn thấy rõ (do khối u) và tai cũng giảm khả năng nghe nhiều nhưng Tuyền vẫn cố gắng nói với chúng tôi: “Em muốn được mau khỏi bệnh và trở về trường đi học cùng các bạn. Em rất nhớ trường, nhớ lớp và các bạn”.

Ba Tuyền làm nghề hớt tóc, còn mẹ bán cơm trước nhà. Gồng gánh lắm họ mới đủ tiền nuôi Tuyền học đại học và ba đứa em nhỏ đang học mẫu giáo. Được biết, để xạ trị cho Tuyền cần một số tiền khá lớn, nhưng cảnh nhà thiếu trước hụt sau khiến cho họ từng giây bất lực nhìn con đau đớn.

LÊ THẠCH
Chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” của báo Tuổi Trẻ đăng tải các địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông tin phản hồi về sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Bạn đọc có thể giới thiệu các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn bất ngờ... mà không còn khả năng tự giải quyết được để báo Tuổi Trẻ xác minh và đăng tải trên chuyên mục này. Thông tin giới thiệu gửi qua email: nhipcaunhanai@tuoitre.com.vn hoặc ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
“Nhịp cầu nhân ái” mong nhận được sự chia sẻ từ quý bạn đọc. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về báo Tuổi Trẻ, “Nhịp cầu nhân ái” sẽ công khai sự giúp đỡ và cam kết trao tận tay người cần được giúp đỡ.
Báo Tuổi Trẻ:
Địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: (08)39973838
Số tài khoản:
* VND: 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: Báo Tuổi Trẻ.
* USD: 007.137.0195.845
* EUR: 007.114.0373.054
Vui lòng ghi rõ: Nhịp cầu nhân ái - mã số 12, giúp đỡ Phan Thị Mỹ Tuyền

October 12, 2013

Ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày

Tu không cần đi chùa nhiều, đọc kinh nhiều, ăn chay giỏi, làm công quả chuyên cần, xây chùa cất miếu...nếu làm được những điều này thì tốt. Nhưng vấn đề chính yếu của tu là thấu hiểu và "quyết tâm" ứng dụng những điều Phật dạy vô đời sống hằng ngày của mình.

Lâu không gặp tôi ở mấy đám tiệc tùng, nhảy nhót, ca hát bạn bè hỏi thăm tôi đi đâu mà vắng bóng lâu vậy? Tôi trả lời: "Đi chùa, bây giờ tôi tu rồi!".

Nghe tôi trả lời như vậy bạn bè thất vọng kêu trời "Đời sống ba vạn sáu ngàn ngày có là mấy, sao đang làm ăn thành công như vậy mà lại bỏ ngang, lo tu?". Mấy người trong bàn tiệc bắt đầu xoay qua đề tài "Tu và Đạo Phật". Người thì bàn bây giờ còn trẻ để hưởng cho hết cuộc đời trước, khi nào già rồi hãy tu. Người thì lý luận sống là tranh đấu, tu là bi quan yếm thế. Có người tiếc rẻ cho mấy người tu, được sống ở Mỹ có nhiều thịt cá không ăn cho khoái khẩu mà ăn chay, kiếp sau sinh ra ở Ấn Độ hay Phi châu không có thịt cá để ăn, sẽ hối tiếc! Hồi trước nếu nghe người nào nói trái ý, xúc phạm đến tôn giáo của tôi là tôi nhào vô cãi lẫy, hùng biện, tranh luận, phải trái hơn thua, có khi nổi nóng tôi nói nặng làm mất bạn bè vì những chuyện không đâu. Nay nhờ đi chùa và nghiền ngẫm kinh sách tôi không phản ứng ngay, mà trầm tĩnh quan sát người ta thảo thuận. Tôi thấy người nào cũng giành phần đúng về mình, người nào không đồng ý với mình thì cho người đó dốt, không hiểu vấn đề... Thấy mấy ông bạn bàn về triết lý cao siêu của Đạo Phật tôi nghĩ đến chuyện những người mù xem voi.

Không riêng gì những người không đi chùa nên không hiểu đạo, mà ngay cả người đi chùa thường xuyên cũng hiểu đạo sai lầm. Phần đông người đi chùa là ngững người đàn bà lớn tuổi, nhiều bà cầm nhang lạy tứ phương rất mềm dẻo, thiện nghệ. Nhưng họ đi chùa không mong gì hơn là để "được phước kiếp này và kiếp sau". Kiếp này được Trời Phật phù hộ cho có được đời sống an lành, con cái ăn học nên người, gia đình yên vui hạnh phúc. Kiếp sau được sinh ra ở cõi Trời, hay có làm người thì được sinh ra trong gia đình khá giả hơn...

Rất nhiều người đi chùa, cúng dường nhiều chỉ để cầu xin Trời Phật phù hộ cho mình, cho gia đình mình (ngã) có đời sống tốt đẹp hơn (tham). Đi chùa với tâm ý trao đổi tiền bạc với phước đức như vậy thì chẳng khác nào bỏ tiền ra "hối lộ" Trời Phật, bỏ tiền ra "mua" phước đức. Đi chùa như vậy, có đi suốt đời cũng không giúp ích gì cho mình và cho người bao nhiêu. Có người nói " Bữa nay tôi ăn chay, nếu không tôi cào nhà nó rồi". Ca dao mình cũng có nhiều câu châm biếm mấy người đi chùa mà tâm không tu là "Miệng tụng Nam mô mà bụng chứa một bồ dao găm".

Các bà chị của tôi rất thích đi hành hương, nhất cử mà lưỡng tiện, vừa du ngoạn cảnh lạ đường xa, vừa được thăm viếng, lễ bái nhiều chùa được nhiều phước đức. Có lúc các chị không thích đi hành hương nữa, tôi hỏi tại sao thì các chị cho biết, không thích đi từ hồi nghe thầy Thanh Từ giảng. Thầy nói các bà đi chùa cúng có mấy trái chuối, mấy trái cam mà cầu xin Phật cho nhiều thứ , xin cho mình, cho con mình rồi cho cháu mình nữa. Phật dạy tu thì không tu mà chỉ muốn cầu xin, nếu ai xin cũng được Phật cho như ý thì trên đời này đâu có ai khổ, ai nghèo? Các chị nghe thầy Thanh Từ nói Phật không phải là thần linh, có bùa phép ban cho Phật tử điều này điều nọ, các chị chán quá ở nhà luôn.

Không riêng gì người bình dân ít học mà đôi khi ngay cả người trí thức phụ trách việc giảng dạy Phật pháp cũng có người không hiểu đạo. Một cư sĩ kia có bằng cấp cao nên rất được quý trọng, trọng dụng trong hàng lãnh đạo Phật giáo. Ông được mời giảng dạy đạo pháp và hướng dẫn Phật tử trong các lớp tu học. Một bữa kia một Phật tử có ý kiến, theo tôi bài giảng của ông không đúng ở điểm này , điểm nọ. Ông cư sĩ có vẻ khó chịu và từ đó giữ trong lòng "ác cảm" lâu dài với Phật tử này.

Sự thật là vậy, là ít người chịu khó suy ngẫm để thấu hiểu được rằng Phật bỏ cung vàng điện ngọc, bỏ cả vợ con chỉ vì thấy "Đời Là Bể Khổ". Phật vào rừng sâu, sống khổ hạnh chỉ để tìm cách Cứu Khổ. Và hầu hết kinh sách Phật được lưu truyền lại ngày nay là để dẫn dắt chúng ta con đường Thoát Khổ.

Đạo Phật không phải là một Tôn Giáo huyền bí, không đặt niềm tin ở Thượng Đế và Phật không tự cho mình là con của Ngọc Hoàng, là Đấng Tạo Hóa toàn năng tạo ra vạn vật, có khả năng ban phước hay giáng họa cho ai. Luật Nhân Quả không phải do Ngài đặt ra, và Niết Bàn cũng không phải là nơi do Ngài tạo nên, do Ngài kiểm soát cho phép ai ra, ai vào.

Đạo Phật Là Một Con Đường Giải Thoát, Giác Ngộ. Phật là người đã tìm ra chân lý, tìm ra Con Đường đi đến sự giải thoát, an vui, tự tại (chấm dứt khổ đau). Con đường đó Phật giảng giải, chỉ vẽ dựa theo kinh nghiệm "Ngộ" mà Ngài đã chứng nghiệm được sau sáu năm khổ hạnh tu tập và 49 ngày nhập định dưới cây bồ đề. Sau thời gian tu tập này Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, đạt đến Niết Bàn và Phật đã bình đẳng tuyên bố "Ta là Phật đã thàønh, các người là Phật sẽ thành nếu các người tu theo con đường (đạo) ta chỉ dạy ".

Theo Phật con người khổ là vì Tham Sân Si, Chấp và Ngã...

Tham là muốn chiếm đoạt vật gì làm của riêng của mình, có một muốn hai, có hai muốn bốn. Lòng tham thúc đẩy con người hành động, tạo nghiệp ác, gây khổ cho mình và cho người khác.

Sân là thù hận, oán ghét. Nó cũng bao gồm trạng thái thụ động như hờn mát, bất mãn, ác cảm, buồn phiền ngấm ngầm trong lòng.

Si là u mê, tăm tối, chạy theo vạn vật hão huyền, là vô minh không nhận ra chân tướng, bản chất chân thật của vạn vật.

Chấp là vướng mắc vào những cảm thọ, như khen chê, được mất, hơn thua...

Ngã là mình, những gì thuộc về mình, cái Tôi vị kỷ, kiêu mạn...

Thôi thì có trăm ngàn nguyên nhân làm mình khổ. Muốn chấm dứt khổ đau, được an lạc, tự tại, kinh Phật dạy muôn ngàn pháp môn. Đểà cho bớt rườm rà khó hiểu, tôi đơn giản hóa vấn đề, muốn tu theo Phật cho thân tâm được an lạc, một là chuyển hóa Tham Sân Si, hai là gạt bỏ Chấp và Ngã.

Con đường tu của tôi ngắn và gọn như vậy. Khi có một điều bất đắc ý xảy ra làm tôi buồn phiền đau khổ, bình tĩnh suy xét tôi thấy đúng như lời Phật dạy, căn nguyên khổ đó là do tham, sân, si, chấp và ngã đã huân tập, tiềm ẩn trong tôi từ kiếp nào mà ra. Cái chủng tử hung dữ, nóng nảy do cha mẹ di truyền lại đã sống khỏe mạnh trong tôi bấy lâu nay. Nay biết tu tập, với thời gian tôi sẽ cố gắng "bứng gốc" các chủng tử xấu đi, rồi tôi sẽ tưới tẩm những "chủng tử tốt" (từ bi, hỷ xả, bao dung) bằng những trận mưa Pháp, những chủng tử tốt này sẽ nảy mầm vươn lên.

Làm việc gì muốn có kết quả nhanh chóng mình cũng phải có phương pháp, phân tích và có kế hoạch đàng hoàng. Sau khi phân tích thấy được nguyên nhân nguồn cội khổ đau là tham sân si, chấp và ngã, bây giờ làm sao diệt tham sân si, chấp và ngã?

Muốn diệt Tam Độc tham sân si, thì phải giữ Thân Khẩu ý thanh tịnh, trong sạch. Trên lý thuyết thì không khó, nhưng trên thực tế tiêu diệt ba con rắn độc này là cả một cuộc chiến gay go với nội tâm, mà chính Phật cũng phải nhìn nhận "thắng một vạn quân dễ hơn chiến thắng chính mình".

Bản tính của người phàm phu là ăn miếng trả miếng, nhất định không thua ai. Người "biết tu" gặp nghịch cảnh phải nhịn nhục, nếu cứ chơi "xả láng" tới đâu hay tới đó, là tự biết mình đã "thua" trên mặt trận "tu tập". Nếu nhịn nhục là thân không làm điều ác, miệng không nói lời ác thì tôi cố gắng làm được, nhưng giữ tâm ý thanh tịnh, không giận hờn, buồn phiền, bất mãn, điều này tôi thấy khó quá. Làm sao vui vẻ chấp nhận sự thiệt thòi về phần mình, làm sao chuyển hóa lấy khó khăn làm thú vị, lấy nghịch cảnh làm thắng duyên để đo lường sự tu tập của mình?

Kinh sách dạy, muốn tu chúng ta phải Học Kinh, và ứng dụng bát chính đạo. Có chính kiến (nhìn thấy đúng), có tư duy ( suy xét đúng), có tinh tấn (cố gắng trui luyện), nước chảy đá sẽ mòn, rồi có ngày tâm ta sẽ không còn vướng mắc, chướng ngại, phiền não.

Trong kinh , Phật dạy...vạn vật Vô Thường. Với thời gian vận vật đổi thay, không thường hằng bất biến, cho nên trong đời sống, chúng ta "nay lên voi, mai xuống chó", nay được yêu chiều, mai bị ruồng rẫy nên coi là sự thường. Đã thấu đáo lý Vô Thường thì dù cuộc đời có lúc lên hương như "diều gặp gió" chúng ta cũng không nên hả hê vui mừng đắc thắng, vì gió không bền lâu, lúc gió ngừng diều sẽ đâm đầu xuống đất, càng cao danh vọng, càng dày gian nan. Khi thành công cũng như lúc thất bại chúng ta phải cố giữ tâm thăng bằng như người làm xiệc đi trên sợi dây nhỏ. Dù đời nhiều cay đắng chúng ta cũng cố tự an ủi, đời người như một dòng sông, "sông có khúc, đời người có lúc", không nên nao núng thất vọng trước cảnh vật đổi sao dời.

Vạn vật đều Vô Ngã. Khi chấp nhận vạn vật vô ngã, không có tự tính (sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắùc) thì ý thức ích kỷ, vị kỷ, chấp ngã kiêu mạn, ý niệm về "Cái Tôi" vô cùng quan trọng sẽ tan biến.

Phật cũng dạy lý Duyên Sinh. Vạn vật do duyên họp mà thành. Đủ duyên thì vạn vật tồn tại, mất duyên thì vạn vật tiêu tan. Do nhân duyên tác hợp nên vạn vật chỉ là hư ảo (huyễn). Khi thấu được lý nhân duyên thì tâm mình sẽ rộng mở, dễ cảm thông, tha thứ, chấp nhận thế giới muôn sai, nghìn khác. Từ "cảm thông" trong ta sẽ phát khởi lòng từ bi bao la, dễ hỷ xả, tha thứ những lỗi lầm của người khác.

Tôi về thăm Việt Nam, mấy đứa trẻ ăn xin hay đeo theo xin tiền. Được tiền rồi chúng cũng không đi chỗ khác, cứ lẩn quẩn quanh tôi. Chờ lúc tôi sơ hở là tụi nó "chôm" mấy thứ lặt vặt như máy ảnh, kính đeo mắt, cây dù xếp...từ đó tôi có ác cảm với đám trẻ ăn xin này, thấy tụi nó kéo tới là tôi lo canh giữ cẩn thận, không còn tội nghiệp , thương xót như trước . Đấy là phản ứng tự nhiên của người mất của. Nhưng trầm tĩnh suy nghĩ kỹ tôi mới thấy tội nghiệp những đứa trẻ thơ vô tội này. Chẳng may chúng nó sinh ra trong một gia đình nghèo ở Việt Nam, thất học, đói rách, phải ăn xin, ăn trộm để kiếm sống. Nếu chúng nó được may mắn sinh ra trong một gia đình giàu có ở Mỹ, được cha mẹ gởi tới các nhà giữ trẻ có nhiều trò giải trí, dùng máy điện tử chơi game hứng thú thì chúng nó đâu thèm ăn cắp máy chụp hình, kính đeo mắt, và cây dù xếp để làm gì?

Cho nên trong vấn đề tu tập, Thiền Định là một phương cách đưa con người đến giải thoát. Những giây phút yên lặng, suy nghĩ sâu sắc sẽ cho ta Thấy Được Cái Bản Chất Chân Thật Của Mọi Việc.

Nhận thức được bản thể chân thật đó, con người mới có thể phát khởi đại trí, đại bi, trải rộng tình thương vô bờ tới muôn người và muôn loài. Trong đời sống hằng ngày chúng ta bận rộn làm ăn sinh sống, không có nhiều thì giờ để ngồi thiền như những người xuấàt gia, nên Sư cô Thanh Lương khuyên chúng ta cố gắng Dừng Lại, cố giữ phản ứng chậm lại. Chỉ cần chậm lại một chút để có thì giờ suy nghĩ kỹ chúng ta sẽ tránh được nhiều lỗi lầm đáng tiếc, gây phiền phức cho mình và những người chung quanh, nhờ đó cuộc sống của mình được tươi đẹp , thoải mái dễ chịu hơn.

Đối với đàn bà chuyện thường xảy ra là bà này nói xấu bà kia. Phản ứng tự nhiên khi bị người khác đặt điều nói xấu là mình nổi giận. Người "biết tu" sẽ không trả thù nói xấu lại và người tu giỏi sẽ không giữ trong lòng ác cảm, phiền muộn ai .

TU ĐỂ LÀM GÌ mà xem ra người tu có vẻ thiệt thòi, chịu đựng nhiều quá vậy?

Mục đích tối thượng của người tu theo Phật là đạt đến Niết Bàn.

Niết Bàn không phải là một nơi tốt đẹp như Thiên đàng của các tôn giáo khác, khi nào chết con người mới có thể tới Thiên đàng được. Niết Bàn trong đạo Phật không chiếm không gian, không là nơi chốn nào trong vũ trụ, mà là một đạo quả, một trạng thái bình yên tối thượng.

Ở ngay trong kiếp sống này nếu chúng ta không bị tham sân si, chấp và ngã điều khiển, tâm ta sẽ có được thanh tịnh, an lạc, đạt đến Niết Bàn.

Những danh từ Duyên Sinh, Vô Thường, Vô Ngã hình như Phật tử nào cũng hiểu vì nó là nền tảng giải thoát của Đạo Phật. Nhưng hiểu là một chuyện mà có ứng dụng những điều hiểu biết này vô đời sống của mình để có được đời sống an lành yên vui hay không là chuyện khác.

Một bạn đạo của tôi luôn chạy theo Sư cô Thanh Lương, cô giảng ở đâu là có mặt chị ở đó. Chị đọc kinh nhiều đến nỗi thuộc làu cả "Chú Đại Bi". Chị đang vận động với bạn bè mua cho Sư cô Thanh Lương một căn nhà làm chùa. Chị mê nghe Sư cô giảng lắm. Tôi hỏi thăm, chị A còn trong hội của chị không? Hỏi câu này là bắt trúng tần số. Tôi chỉ hỏi một câu ngắn như vậy mà chị trả lời tôi tới nửa đêm, tuông ra bao nỗi hằn học, oán hận, căm thù. Tôi an ủi, thôi chị đi chùa nhiều, nên "hỷ xả". Chị ấy trả lời: "Cái hạng người đó không đáng cho tôi hỷ xả!".

Một bà khác đi chùa, công quả chuyên cần từ ngày qua Mỹ đến nay là mấy chục năm, nên được giử chức Phó Hội trưởng trong Ban Chấp hành của một chùa trong vùng. Bà mẹ chồng của chị đang hấp hối ở VN, tha thiết mong mỏi tất cả con cháu , dâu rể điện thọại về một lần chót trước khi nhắm mắt ra đi. Măïc cho em chồng khóc lóc năn nỉ, chị này nhật định không gọi về, nhất định trả thù bà mẹ chồng cho đến giờ phút chót cuộc đời bà.

Đi chùa mà giữ tâm địa ác như vầy thì đi để làm gì?

Tu không cần đi chùa nhiều, đọc kinh nhiều, ăn chay giỏi, làm công quả chuyên cần, xây chùa cất miếu...nếu làm được những điều này thì tốt. Nhưng vấn đề chính yếu của tu là thấu hiểu và "quyết tâm" ứng dụng những điều Phật dạy vô đời sống hằng ngày của mình.

Nên Từ Bi Hỷ Xả. Chỉ một chữ "xả" thôi , nếu thực hiện được là chúng ta cũng đến gần Niết Bàn rồi. Đi chùa, tham gia Phật sự là điều tốt, nhưng đó là bước đầu, nếu chúng ta bước xuống thuyền rồi đứng đó, không tự chèo thuyền đi , không ứng dụng những điều học hỏi ở kinh sách, ở chùa vô đời sống hằng ngày thì mãi mãi không bao giờ có thể đến được bến bờ giải thoát an lạc bên kia.

Thầy Thanh Từ giảng, căn phòng dù tăm tối đến đâu, bật đèn lên căn phòng cũng sáng. Chúng ta đứng ở cửa nhìn ra ngoài sẽ thấy đen tối, xoay đầu vô thì thấy sáng. Giữa tối và sáng chẳng cách nhau bao xa. Chỉ cần biết xoay đầu. Nhìn ra ngoài là bến mê, xoay đầu lại là bờ giác. Mê và giác chỉ có một cái xoay đầu. Tu dễ như vậy. Tu là hồi đầu, là xoay đầu lại. Từ bao lâu chúng ta mê nên đi trong đau khổ tử sanh, khi tỉnh chúng ta trở về sẽ hết khổ đau. Nếu chúng ta thả trôi theo giòng tăm tối thì tối mãi, biết xoay ngược lại tìm về ánh sáng thì sẽ được sáng. Một đứa con đi hoang, càng đi xa nhà càng khổ, khi biết lỗi lầm quay về với mẹ cha thì được sống trong gia đình hạnh phúc.

Hiểu như vậy thì tu không khó khăn gì cả, không cần ép xác khổ hạnh, tu luyện lâu dài hay học cao hiểu rộng, cũng không cần xuất gia. Phật tức tâm, tâm tức Phật, tu tại gia cũng được. Chỉ cần cố chuyển hóa tham sân si , chấp và ngã.

Vạn vật đồng nhất ở bản thể, khi chúng ta dẹp được cái Tôi vị kỷ, ranh giới giữa ta và người sẽ tan biến. Từ đó lòng Từ Bi Hỷ Xả sẽ bừng nở dâng tràn, đưa ta đến bến bờ giải thoát an lạc tự tại.

Tu là sửa đổi cho được tốt hơn, là dừng lại, là chuyển hóa cái tri thức sai lầm về thực tại. Vì tri thức sai lầm, chúng ta phát sinh tham, sân, si rồi hành động tạo nghiệp. Có chính kiến chúng ta sẽ thay đổi thái độ với vạn vật, nhờ đó thế giới trở nên an lành, vui tươi , hạnh phúc hơn.

Khi tâm ta không còn bị tham sân si điều khiển, khi tâm ta không còn vướng mắc với những cảm thọ chấp, ngã, chúng ta sẽ đạt đến Niết Bàn. Đó là một trạng thái yên bình tối thượng, thanh tịnh, tự tại, giải thoát ở kiếp này, nhờ đó Nghiệp Lực chấm dứt, không còn sức lôi dẫn chúng ta luân hồi trong lục đạo ở kiếp sau.

Đây là mục tiêu tối thượng của việc Tu Hành theo Phật.

Theo Phật giáo nguyên thủy

Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/ung-dung-loi-phat-day-vao-doi-song-hang-ngay-a106478.html

October 11, 2013

Làm sao giữ lại..

Làm sao giữ lại điều không thể..
Cát biển tuôn dần qua kẽ tay,
Làm sao miên viễn... đời dâu bể
Bảo gió trên ngàn thôi cuốn mây!

Làm sao níu áo thời gian lại
Ngắm nụ xuân thì chưa úa môi. 
Làm sao tìm thấy dòng sông cũ
Lạ lẫm chiều nay bến lỡ, bồi.

Làm sao giữ được tình ban sớm

Chưa kịp hoàng hôn đã úa màu.
Ta trách sao người thay đổi vội
Chắc gì.. ta chẳng đổi thay đâu!

Làm sao nắm giữ ngày nhung lụa

Hào phú.. vang danh của một thời.
Phút chốc một chiều bao '' cái của..''
Đồng tình đội nón chạy xa xôi.

Soi gương thấy nụ cười năm đó

Chẳng biết vì đâu.. méo mó rồi!
Làm sao giữ được điều không thể...
Cầm bằng như... nước cuốn hoa trôi.

-Vốc nước lòng tay khôn giữ được
Mọi vật trên đời cũng.. rứa thôi!

Nguồn: http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoc/tho/14030-lam-sao-giu-lai.html

Đẹp ngỡ ngàng bộ sưu tập hình nền “những con đường”

Những con đường thường là chủ đề của những tác phẩm nghệ thuật, thơ văn và cả nhiếp ảnh. Sự kết hợp giữa con đường và khung cảnh xung quanh sẽ tạo nên những khung cảnh tuyệt đẹp, mà khi nhìn vào đó, bạn sẽ cảm thấy được sự bình yêu và lãng mạn…

Bạn là người yêu thích đi đây đó, yêu thích ngắm nhìn khung cảnh xung quanh những con đường mà mình đã đi qua? Nhưng không phải lúc nào cũng có đủ điều kiện hay thời gian để du ngoạn và khám phá những khung cảnh mới.
Ngoài ra, nếu cảm thấy mệt mỏi hay gò bó sau những giờ làm việc dài và căng thẳng trên máy vi tính, hãy sử dụng bộ sưu tập hình nền với chủ đề “những con đường” dưới đây để trang trí cho màn hình desktop của bạn, để mang đến một không gian rộng mở, tươi mới ngay trên màn hình máy tính, giúp thư giãn đầu óc sau những giờ làm việc căng thẳng.

Download trọn bộ sưu tập hình nền với đầy đủ kích cỡ tại đây.

Ngoài ra, nếu đang sử dụng Windows 7, bạn có thể download bộ giao diện được tạo nên từ những hình ảnh có trong bộ sưu tập hình nền này để “khoác” lên desktop của bạn một “gương mặt” hoàn toàn mới. Những hình nền có trong bộ giao diện này sẽ tự động thay đổi ngẫu nhiên sau mỗi một phút.

Download bộ giao diện dành cho Windows 7 tại đây.

Những hình ảnh có trong bộ sưu tập hình nền:
Theo Phạm Thế Quang Huy (Dân trí)

Technology