February 28, 2013

Bếp từ thiện giữa phố

Bếp ăn từ thiện ở khu vực trung tâm TP.HCM bền bỉ đỏ lửa suốt nhiều năm nay, đã làm ấm bụng biết bao người nghèo khó, trong đó có không ít học sinh, sinh viên.

Chuyển giao cà mèn

Vừa tan học, hai sinh viên thuộc Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM là Nguyễn Thị Lĩnh (quê Nghệ An) và Đinh Văn Vực (quê Bình Định) vội vã đèo nhau trên xe đạp đến điểm nhận cơm trưa miễn phí. Đó là căn bếp khá chật ở số 44 đường Rạch Bùng Binh, P.10, Q.3, TP.HCM. Trước Lĩnh và Vực, đã có khá nhiều trẻ mồ côi, người khuyết tật, cụ già neo đơn cùng những lao động thu nhập thấp trên địa bàn đến nhận khay thức ăn và cơm. Cách đấy không xa là điểm nhận cơm thứ hai của bếp ăn dành riêng cho bệnh nhân tâm thần. Cả hai bếp này đều do Ủy ban MTTQ VN P.10, Q.3 quản lý và Chi hội Huỳnh Mai thuộc Hội Bệnh nhân nghèo tài trợ. Bình quân mỗi ngày, hai điểm phục vụ gần 100 suất ăn trưa miễn phí.
  Bà Phương (bìa trái) phân phối các suất cơm miễn phí cho người già và sinh viên - Ảnh: Như Lịch
Lĩnh cho biết, những chiếc cà mèn cô lãnh cơm cho mình và nhận giùm một số sinh viên khác đều do bếp ăn này tặng. Người nào ra trường sẽ trao lại chiếc cà mèn nghĩa tình được giữ gìn cẩn thận cho lớp đàn em. Chỉ riêng năm học này, có 18 sinh viên là con em dân tộc thiểu số hoặc gia đình sống trong vùng bão lũ trở thành “thực khách” thường xuyên của bếp ăn.

Không chồng con, không nhà cửa, bà Huỳnh Thị Sanh (82 tuổi, ở trọ P.10, Q.3) là một trong những “khách hàng thân thiết” của bếp ăn suốt 15 năm qua. Giọng nói còn hổn hển vì mệt sau khi đi bộ đến nhận cơm, bà Sanh kể: “Tui bị nhồi máu cơ tim, vừa rồi đi cấp cứu mấy lần. Nếu không có bếp ăn từ thiện này, tui không biết tuổi già của mình trôi về đâu”.

Với những người bị tâm thần, bệnh tật… không thể đến nhận trực tiếp, mấy cô chú ở bếp ăn chu đáo mang cơm đến tận nhà cho họ. Đã có không ít những gia đình cả ba thế hệ lần lượt thoát cảnh túng quẫn nhờ những căn bếp chật hẹp mà rộng mở tình người này.

Lòng tốt nhân lên

Người thành lập kiêm phụ trách bếp ăn từ thiện này suốt bao năm qua chính là bà Nguyễn Thị Phương, 70 tuổi, cựu chiến binh, nay là Trưởng ban mặt trận và là Phó ban điều hành khu phố 4, P.10, Q.3. Bà Phương cho hay, bếp từ thiện này ra đời từ năm 1997. Trong một thời gian dài, bếp “di động” qua những nhà dân. Đến năm 2010, UBND P.10, Q.3 cấp mảnh đất nhỏ ở số 44 Rạch Bùng Binh làm bếp ăn ổn định. Sát cánh chăm lo bếp ăn với bà Phương ngay từ những ngày đầu thành lập đến tận bây giờ là chị Huỳnh Thị Nở - chuyên nấu ăn phục vụ những người tâm thần trong chính căn nhà nhỏ của gia đình chị.

Bên cạnh đó, đôi vợ chồng Nguyễn Văn Cư và Duyên Minh Châu cũng tình nguyện gắn bó với bếp ăn hơn 5 năm qua, mặc dù hoàn cảnh của họ khá khó khăn. Chị Châu bộc bạch: “Lúc gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn nhất, cô Phương đã đứng ra quyên góp, hỗ trợ mọi thứ. Nhiều năm liền cô đóng học phí cho đứa con trai khuyết tật của chúng tôi. Không có gì đền đáp, chúng tôi chỉ biết đồng hành làm từ thiện với cô”. Được biết, bấy lâu nay gia đình bà Phương đều đặn đóng góp từ 2-3 triệu đồng/tháng để giúp bếp ăn và hỗ trợ ít nhất 5 suất học bổng/năm cho học sinh, sinh viên nghèo.

Tại bếp ăn, chúng tôi còn gặp một số người dân thầm lặng đóng góp công sức cho bếp. Đó là chị Đặng Thị Kim Lan, em dâu chị Châu, thường xuyên phụ nấu nướng sau những giờ bán bánh mì dạo; hay anh thợ hồ Phạm Minh Long tự nguyện chở cháo dinh dưỡng cho người già, trẻ em…

“Bác sĩ khuyên tôi bớt làm việc, kẻo đau tim nặng và ảnh hưởng tới tính mạng. Thật sự, nhiều lúc dang nắng dang mưa hoài suýt ngất xỉu, tôi cũng muốn nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng thấy những người nghèo khó đang chờ mình, thế là lại vùng dậy. Còn chút sức lực nào thì cứ làm…”, bà Phương chia sẻ.


Bà Phương “xì ke”
Đó là biệt danh một thời của bà Nguyễn Thị Phương, do trước đây bà từng tiếp cận, vận động 109 thanh thiếu niên trên địa bàn đi cai nghiện ma túy.
Ngoài hai bếp ăn từ thiện, đến nay bà Phương đã vận động những nhà hảo tâm xây tặng gần 20 căn nhà cho người nghèo tại TP.HCM và một số tỉnh thành khác, giúp rất nhiều bệnh nhân chữa bệnh và mổ tim, trao hàng trăm suất học bổng và xe đạp cho học sinh,sinh viên, phụ nữ nghèo… Bà đã nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bằng khen cấp trung ương và địa phương.
Như Lịch
Source: thanhnien.com.vn

February 24, 2013

Giá trị cuộc sống

Thật may mắn khi ta có mặt trên cuộc đời này ! Thật may mắn khi ta có cuộc sống hạnh phúc ! Và thật may mắn khi ta sở hữu mọi thứ, những thứ thật giản dị, thật bình thường: Nhờ chúng mà ta nhìn cuộc đời bằng lăng kính gần gũi yêu thương. Thấy được cuộc đời này không phải là màu hồng hào nhoáng. Có nhiều lúc tuyệt vọng rồi chợt nhận ra rằng: Còn biết bao điều hạnh phúc là những điều giản dị xung quanh. Chỉ vậy thôi nhưng đã giúp ta hiểu được giá trị của cuộc sống. Ta sẽ tự nhủ: nếu biết trân trọng và nuôi dưỡng thì hạnh phúc sẽ tràn đầy. Không phải cứ làm việc gì to tát thì mới có ý nghĩa. Ý nghĩa thực sự là khi ta có thể đem đến niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

Chắp cánh ước mơ - ảnh Tạ Văn Mãnh

Ta không hoài nghi về cuộc sống này,
Ta phân biệt rõ ràng trắng, đen, tốt, xấu
Ta không để mọi việc mờ mờ ảo ảo
Ta thích thì cứ bảo rằng thích
Ta không thích thì cứ bảo rằng không
Ta xấu thì phải cố gắng làm cho đẹp
Ta đẹp thì cố gắng giữ cho tốt đẹp hơn.
Hãy sống trong yêu thương:

Vì yêu thương là tha thứ. Và tha thứ chính là vượt qua sự công bằng. Tha thứ là chấp nhận mình khờ khạo và luôn nhận thiệt thòi về phía mình. Hỏi rằng trên cuộc đời này có mấy ai làm được như thế? Khi ta vẫn còn biết tự ái, giận hờn, oán trách, khi không vui ta còn nổi giận, cáu gắt. Nhưng nếu tha thứ thì tâm hồn sẽ thanh thản, nhẹ nhàng. Và sẽ không đủ nếu ta chỉ biết tha thứ cho người khác mà đôi khi ta cũng phải học cách tha thứ cho chính mình.
Hãy biết chia sẻ;

Luôn đặt mình vào vị trí của người để biết rằng ta đau thì người cũng đau như ta vậy. Hãy lắng nghe và quan tâm đến mọi người xung quanh, có thể ta không giúp gì được cho họ. Nhưng ít nhất ta cũng đã nghe họ nói và hiểu họ đang cần gì. Đôi khi cũng phải cần chia sẻ trong im lặng vì im lặng là cách chia sẻ tốt nhất.

Tôi đã học được rằng: hạnh phúc là biết mình đang được sống, đang được khỏe mạnh, đang được yêu thương và đang hướng đến sự hoàn thiện. Ta được sống và biết mình đang sống trong hòa bình, ta có tự do, có thể làm tất cả những gì ta muốn. Ta trân trọng những giây phút quý báo của cuộc sống, ta cảm ơn cuộc đời mỗi sáng thức giấc ta biết ta vẫn còn sống, vẫn còn thở, vẫn còn tồn tại vẫn có ích cho đời, cho người thân cho bạn bè cho xã hội thì đó cũng là hạnh phúc. Ta có đầy đủ sức khỏe không bệnh tật, ta có hình hài trọn vẹn, trí tụê sáng suốt thì có hạnh phúc nào bằng. Hãy nhìn những người phải đấu tranh với sự sinh tồn hằng ngày, hằng giờ khi sự sống của họ phải đếm trên đầu ngón tay. Hoặc những người phải đánh đổi tất cả nhà cửa, tiền bạc chỉ để được sống. Những người thân thể không trọn vẹn, trí óc không minh mẫn họ phải sống lệ thuộc vào người khác, họ không thể làm được việc gì dù là việc nhỏ cho bản thân mình. Thì ta sẽ thấy mình là người hạnh phúc nhất.

Ta hạnh phúc không khi người xung quanh ta đau khổ? Ta bất chấp để tìm hạnh phúc cho riêng mình thì hạnh phúc đó có tồn tại không? Câu trả lời là không !Ta có cuộc sống đầy đủ, no ấm, sung sướng thì hãy nhớ còn biết bao người đói khổ đang cần được giúp đỡ. Ta được sống trong tình thương của cha mẹ, ông bà thì hãy nhớ còn biết bao mảnh đời cơ nhỡ, bơ vơ. Ta được thông minh, sáng suốt thì hãy nhớ trên cuộc đời này còn biết bao thân phận ngờ nghệch, không may. Ta được sống trong hòa bình thì hãy nhớ trên thế giới này có những nơi vẫn còn hiểm họa chiến tranh. Hãy một lần nhìn lại, hãy một lần suy tư. Ta hãy làm tất cả những gì có thể dù là ít ỏi nhưng đó là phần thưởng quý giá. Sống là phải vươn lên nhưng đôi khi ta cũng phải biết quay đầu nhìn lại để cảm nhận và chia sẻ với những người bất hạnh hơn mình. Hãy giúp họ thấy được rằng đâu đây còn có một thiên đường. Đó mới là hạnh phúc thực sự. Ta có gia đình, có cha mẹ thương con, có vợ chồng hòa thuận, có con cái hiếu thuận ngoan hiền, có bạn bè thâm giao tri kỷ. Ta biết được rằng ta đang sống trong tình yêu thương của mọi người. Ta cảm nhận được sự chăm sóc, lo lắng, bảo bọc, chở che thì hãy biết rằng ta đang hạnh phúc. Khi đã có cuộc sống đầy đủ như thế thì tâm hồn ta phải biết tự hoàn thiện. Hạnh phúc là sống đúng với bản thân mình, sống là không từ bỏ ước mơ, sống là đứng lên sau mỗi lần vấp ngã và sống là hãy biết mỉm cười. Cuộc sống luôn dành cho ta những niềm vui, nỗi buồn, nụ cười, nước mắt, thành công và thất bại. Có những điều tưởng chừng rất đơn giản nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Hạnh phúc thực sự là gì khi ta không biết nắm giữ nó, cuộc sống sẽ khổ đau và đầy nước mắt khi ta không biết trân trọng những gì mình đang có. Vậy hạnh phúc là gì nhỉ? Là yêu thương là tha thứ là chia sẻ là cảm thông là thấy bình yên nơi cuộc sống này

Phương Mai
Sources: Phapamthuongchuyen.com


Sách Nói Tổng Hợp

STTAlbum
1Định Tâm
Sách Nói Phật giáo
2Ái Ngữ
Sách Nói Phật giáo
3Buông Xả
Sách Nói Phật giáo
4 Vô Thường 01
Sách Nói Phật giáo
5 Vô Thường 02
Sách Nói Phật giáo

Kinh Tụng

STTAlbum
1Kinh Thủ Lăng Nghiêm
ĐĐ.Thích Trí Thoát tụng
2Kinh Vua Lan
ĐĐ.Thích Trí Thoát tụng
3Kinh Phổ Môn
ĐĐ.Thích Trí Thoát tụng
4Kinh A Di Đà
ĐĐ.Thích Trí Thoát tụng
5Kinh Địa Tạng
ĐĐ.Thích Trí Thoát tụng
6Phật Nói Kinh A Di Đà
ĐĐ.Thích Trí Thoát tụng

Tứ Diệu Đế_HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch

STTAlbum
1Khái quát về Tứ Diệu Đế
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
2Khổ đế
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
3Tập đế
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
4 Tập đế (TT)
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
5Diệt đế
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
6 Diệt đế (TT)
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
7Đạo đế Tứ Niệm Xứ
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
8 Đạo đế Tứ Chánh Cần
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch

Thủ Lăng Nghiêm Kinh_HT.Thiện Hoa giảng trạch

STTAlbum
1Đầu đề Kinh Lăng Nghiêm
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
2Bảy đoạn hỏi về tâm
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
3Anan cầu Phật chỉ cái điên đảo
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
4Anan nghỉ cái thấy là mình
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
5Anan không hiểu hỏi Phật
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
6Hư không từ chân Tâm biến hiện
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
7Ông Phú Lâu Na hỏi Phật
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
8Phật dậy chon tâm phi
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
9Anan thuật lại
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
10Anan trói cột chổ nào
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
11Anan hỏi Phật pháp tu viên thông
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
12 Anan hỏi Phật pháp tu viên thông(TT)
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
13Phật bảo ngài Văn Thù chọn Pháp
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
14Phật dậy trì chú Lăng Nghiêm
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
1510 món ma về Thọ ấm & Tưởng ấm
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch
1610 món ma về Hành ấm và Thức ấm
HT.Thích Thiện Hoa giảng trạch

February 23, 2013

Lịch thuyết giảng Phật Pháp năm 2013 tại Các Thiền Viện

Lịch thuyết giảng Phật Pháp 02/2013
TV THƯỜNG CHIẾU
TVTL Trí Đức
TV Linh Chiếu
 * Ngày 24/02/2013 *
8g-9g30
Thuyết giảng Phật Pháp -Lễ khai Pháp đầu năm-  H.T Thường Chiếu
10g
Tụng kinh- Sám hối
12g30
Lễ Quy Y
1g30
Dạy tọa thiền
2g30
Thuyết giảng Phật Pháp
Thầy Đạo Tâm
 * Ngày 03/03/2013 *
Sinh Hoạt Phật Pháp tại
TVTL Trí Đức Tăng
 * Ngày 10/03/2013 *
Sinh hoạt Phật Pháp tại
TVTL Trí Đức Ni
 
Chương trình
8g-9g30
Tụng kinh- Sám hối
09g
Tọa thiền
10g45
Thọ trai
1g30
Thuyết giảng Phật Pháp
* Ngày 02/03/2013 *
SC Hạnh Chiếu - giảng
Chương trình tập tu 1 ngày
8g-9g30
Tụng kinh- Sám hối
09g
Tọa thiền
10g45
Thọ trai
1g30
Thuyết giảng Phật Pháp
TVTL CHÁNH GIÁC
 * Ngày 24/03/2013 *

Lễ khai pháp đầu năm 20013

TT. Thích Thông Phương

thuyết giảng
8g
Sám hối 6 căn
09g15
Thuyết giảng Phật Pháp   
13g20
Tọa Thiền
14g30
Thuyết giảng Phật Pháp
15g30
Lễ Quy Y
(Tiếp tục cập nhật..)

Sources: http://www.thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=2359

Bé trai cụt chân, mất cả cha lẫn mẹ trong tai nạn

(Dân trí) – Tỉnh lại trên giường bệnh nhưng bé Thiên Bảo chưa biết chân trái của cháu đã bị cắt đến khớp háng. Chập chờn lúc tỉnh lúc mê cháu luôn miệng gọi “đau lắm mẹ ơi…” nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng bởi cả cha lẫn mẹ của cháu đã mất trong tai nạn.

Trường hợp đau lòng trên là bé Nguyễn Hoàng Thiên Bảo (4 tuổi, ngụ tại Bình Dương). Được biết, ngày 7/2 (tức 27 Tết) Thiên Bảo cùng cha là anh Nguyễn Thành Thu (28 tuổi) và mẹ là Nguyễn Thị Nguyệt Nga (29 tuổi) đi xe gắn máy từ Bình Dương về Khánh Hòa đón Tết. Trên đường qua địa bàn tỉnh Bình Thuận tai nạn bất ngờ xảy ra, chiếc container sau khi va chạm với xe buýt lao sang đường tông thẳng vào gia đình anh Thu khiến vợ chồng anh tử vong tại chỗ, bé Thiên Bảo bị kéo lê trên đường.

Thiên Bảo vẫn ú ớ gọi cha mẹ trong cơn mê

Sau khi sơ cứu tại bệnh viện địa phương cháu được chuyển thẳng lên bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng nguy kịch. Gạt nước mắt, bà Nguyễn Thị Lệ Hương (54 tuổi, bà nội của bé) nghẹn ngào: “Cha mẹ nó chết hết rồi, chúng tôi chỉ còn mình nó nhưng chẳng biết thằng bé có qua được không.”

Theo lời kể của bà Hương, gia đình bà quê ở Khánh Hòa cuộc sống khó khăn nên vợ chồng bà cùng hai người con vào Bình Dương kiếm kế sinh nhai. 5 năm trước trong những lần về thăm ông nội sống tại huyện Định Quán, Đồng Nai anh Thu mang lòng yêu thương người con gái sống cạnh nhà nội là chị Nguyệt Nga. Sau khi nên vợ nên chồng họ về Bình Dương thuê phòng trọ sống cùng cha mẹ.

Anh Thu cùng cha là Nguyễn Thành Tâm (54 tuổi) đi làm công nhân còn bà Hương làm ô sin tại phường Phú Cường. Sau khi sinh bé Thiên Bảo, chị Nguyệt Nga xin làm bảo mẫu cho một trường mầm non. Đồng lương của hai vợ chồng eo hẹp mỗi tháng đều thiếu trước hụt sau khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lập gia đình rồi sinh con đã nhiều năm nhưng chưa một lần về quê ra mắt bà con họ hàng anh Thu bàn với cha mẹ về quê đón Tết. Ý kiến của anh được cả nhà tán thưởng.

Bác sĩ cho biết việc điều trị cho cháu sẽ rất khó khăn, phức tạp

“Tôi đi xe khách về trước để dọn dẹp nhà cửa đã bỏ hoang nhiều năm. Để tiết kiệm chi tiêu, chồng con tôi cùng 3 người họ hàng khác quyết định về sau bằng xe gắn máy. Sáng 27 Tết, sau khi nghỉ chân tại Bình Thuận con tôi còn gọi điện báo “mẹ ơi bây giờ cả nhà tiếp tục lên đường về”. Tôi khấp khởi vui mừng vì sau nhiêu năm xa xứ chỉ còn vài tiếng nữa, gia đình sẽ được sum vầy trong chính ngôi nhà của mình.

Chạy được một quãng, vợ chồng anh Thu ghé vào quán bên đường mua sữa cho con nên bị tụt lại sau cùng. Cha và chú đi trước không thấy vợ chồng anh nên đứng lại chờ nhưng càng chờ càng mất bóng, gọi điện cho cả hai vợ chồng đều không được. Đến khi người qua đường báo có tai nạn ở phía sau họ quay lại thì mọi chuyện đã rồi. Đang quét lại sơn cho căn nhà, bà Hương ngã quỵ khi đứa cháu gọi điện về báo “bác ơi anh Thu và chị Nga bị xe tải cán chết rồi”.

Bị kéo lê trên đường cùng chiếc xe gắn máy nhưng bé Thiên Bảo còn thoi thóp thở nên được người qua đường đưa đi cấp cứu. Ngay trong đêm cháu được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2. BS Huỳnh Minh Thu, khoa Hồi Sức cho biết: “Thiên Bảo nhập viện trong tình trạng chân trái gãy dập nát, vỡ xương chậu hai bên, vỡ bàng quang, đại tràng…” 

Nỗi đau thấu trời xanh trút xuống đầu đứa trẻ vô tội

“Với hi vọng giữ lại tính mạng cho cháu, ngày 8/2 chúng tôi buộc phải phẫu thuật tháo khớp háng đoạn chi trái đồng thời tạo lỗ hậu môn tạm qua ổ bụng cho cháu. Hiện bé đang trong tình trạng nặng, nguy cơ nhiễm trùng vết mổ rất lớn. Nếu qua được nguy kịch, bé còn phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để tái tạo lại các bộ phận đã bị dập, vỡ trong cơ thể.”
Đang là đứa trẻ hoạt bát, trong thoáng chốc bé Thiên Bảo chỉ còn lại một chân, những vết bầm tím vẫn còn in hằn trên cơ thể non nớt của cháu. Nhưng đau đớn hơn nữa là thân phận mồ côi và kiếp sống tật nguyền suốt cả phần đời còn lại mà đứa bé ngây thơ chưa thể ý thức được. Nằm trên giường bệnh, thon thót giật mình giữa lúc tỉnh lúc mê, Thiên Bảo vẫn luôn miệng gọi cha gọi mẹ nhưng đáp lại tiếng kêu thống thiết ấy chỉ là sự im lặng đến lạnh người.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Mã số 909: Bà Nguyễn Thị Lệ Hương (bà nội bé Thiên Bảo), Khoa Hồi sức bệnh viện Nhi Đồng 2.
Hoặc số 320/8 đường Thích Quảng Đức, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.
ĐT: 0908.604.207
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487 
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank: Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 

Vân Sơn
Sources:http://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/be-trai-cut-chan-mat-ca-cha-lan-me-trong-tai-nan-698188.htm

Steve Jobs, một Phật tử đã làm thay đổi diện mạo thế giới

GNO - Mấy ngày gần đây, hàng triệu người trên thế giới tiếc thương và cảm động trước sự qua đời của ông Steve Jobs. Ngay khi biết tin buồn về sự qua đời của Steve Jobs, rất nhiều mỹ từ đã được nhiều người sử dụng để ca ngợi ông. Sự qua đời của ông được nhiều người xem như là thiệt hại lớn cho nhân loại. 

Steve Jobs sinh ngày 24-2-1955 tại San Francisco, California, Hoa Kỳ. Cha mẹ ruột của Steve Jobs là ông Abdulfattah Jandali và bà Joanne Simpsom. Lúc Steve sinh ra thì hai người này là sinh viên mới ra trường, chưa kết hôn với nhau. Vì cha mẹ của Steve chưa có kết hôn với nhau, cho nên cậu bé Steve Jobs được cho người ta nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi của Steve Jobs là Paul và Clara Jobs. Tuổi thơ của Steve Jobs gắn bó với vùng thung lũng Silicon. 

Càng lớn, Steve càng tỏ ra tò mò đối với những thiết bị điện tử và tỏ ra có năng khiếu về lĩnh vực này. 

Vào năm 1973, Steve Jobs vào học đại học, được một học kỳ thì ông bỏ học và đi làm. Sau đó, năm 1974, ông cùng một người bạn đi qua Ấn Độ để tầm sư học đạo, tìm cầu sự giác ngộ. Một thời gian sau, Steve trở về lại Hoa Kỳ, tiếp tục công việc trước đó và thường xuyên đến Trung tâm Thiền Los Altos (Los Altos Zen Center) để học thiền với Thiền sư Kobun Chino Otogowa. 

Chính Thiền sư Kobun đã nhìn thấy được khả năng của Steve Jobs trong lĩnh vực công nghệ điện tử nên đã khuyên Steve Jobs theo đuổi công việc của mình chứ không nên xuất gia. Thiền sư Kobun sau này trở thành cố vấn tâm linh chính thức cho Công ty NeXT, và làm lễ hằng thuận cho Steve và Laurene vào năm 1991. Thiền sư Kobun là một trong những người có sự ảnh hưởng quan trọng đến nhân cách, nếp sống và khả năng sáng tạo của Steve. 

Vào năm 1975, Steve và một người bạn là Woz đã cho ra đời cái máy vi tính cá nhân đầu tiên, gọi là Apple I. Và kể từ đó tên tuổi của Steve đã gắn liền với những phát minh và những sản phẩm công nghệ cao của Apple. Steve Jobs là người đồng sáng lập của Công ty Apple. Bên cạnh đó, Steve còn giữ các chức vụ chủ chốt trong những công ty lớn khác. Vào năm 1997, Steve trở thành Giám đốc điều hành lâm thời của Apple. Năm 2000 trở về sau, Steve chính thức trở thành Giám đốc điều hành của Apple, đã lèo lái Apple trở thành một công ty siêu cường và cho ra đời những sản phẩm công nghệ cao làm thay đổi diện mạo của thế giới. 

Vào tháng 10-2003, trong một lần khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ phát hiện một khối u đang lớn dần lên trong tuyến tụy của Steve. Sau khi phát hiện khối u ác tính, trải qua một thời gian dài theo dõi và suy nghĩ, cuối cùng Steve quyết định không giải phẫu mà chỉ thực tập một chế ăn kiêng do ông tự đặt ra. Với chứng bệnh ung thư tuyến tụy như thế thì người bệnh rất mau qua đời. Nhưng đối với Steve thì không. 

Từ khi phát hiện cho đến năm 2010, Steve vẫn sống và làm việc bình thường. Mãi cho đến tháng 1-2011, do tình trạng sức khỏe không được tốt, Steve đã xin nghỉ phép dài hạn để chữa trị. Vào tháng 8-2011, Steve Jobs đã chính thức gởi thư xin từ bỏ chức vụ Giám đốc điều hành Công ty Appleđến Ban Giám đốc và toàn thể nhân viên của công ty. Sau đây là nội dung bức thư xin từ chức của Steve Jobs: 

“Kính gởi Ban Giám đốc Công ty Apple cùng toàn thể nhân viên của Apple. 

Tôi thường hay nói, nếu có một ngày nào đó mà tôi không thể nào đảm trách được những nhiệm vụ, và không thể thực hiện những hoài bão của mình trong vai trò một người giám đốc điều hành Công ty Apple, thì tôi sẽ là người đầu tiên báo cho mọi người biết. Thật không may là ngày đó đã đến. 

Nay tôi viết thư này để xin từ bỏ chức vụ Giám đốc điều hành của Apple. Nếu Ban Giám đốc thấy phù hợp thì tôi xin làm việc cho công ty trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, hoặc là giám đốc, hay là nhân viên của Apple. 

Theo như những gì người kế nhiệm tôi đã thể hiện, tôi đề nghị chúng ta thực hiện kế hoạch kế tiếp của mình và chính thức bầu ông Tim Cook làm Giám đốc điều hành của Apple. 

Tôi tin rằng những ngày tươi sáng nhất và đổi mới nhất của Apple đang ở phía trước. Và tôi mong muốn được nhìn nhận, đóng góp vào thành công của công ty trong vai trò mới. 

Tôi đã có được những người bạn tốt nhất trong cuộc đời của mình tại Apple, và tôi chân thành cảm ơn tất cả mọi người vì chúng ta đã làm việc cùng nhau trong suốt nhiều năm qua”. 

Đến ngày 5-10-2011, Steve Jobs đã qua đời vì căn bệnh ung thư tuyến tụy. Trước sự ra đi của Steve Jobs, rất nhiều người thuộc đủ mọi quốc gia, mọi tầng lớp, sắc tộc, tôn giáo,... đã bày tỏ tình cảm, sự quý mến, cảm phục của mình đối với Steve Jobs theo nhiều cách khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu bày tỏ tâm tư, tình cảm của công chúng đối với Steve Jobs, Apple đã nhanh chóng xây dựng một trang web với tên miền là Prayforsteve.com (Cầu nguyện cho Steve).  

Trên trang web Allaboutstevejobs.com cũng có tạo trang blog để cho người đọc có thể viết vào đó. Ngay trên trang web của Công ty Apple (apple.com), họ đã dành toàn bộ không gian của trang chủ để đăng hình ảnh và tên tuổi của Steve Jobs như là một cách để tưởng nhớ, để tri ân một người đồng sáng lập công ty, một người đã có những đóng góp tối quan trọng cho sự thành công và nổi danh của Apple. 

Trên trang web Bambosi.com có đăng một bài tổng hợp những lời nhận xét, bày tỏ tình cảm đối với Steve Jobs của các nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Sau đây chúng tôi trích lời của một vài nhân vật: 

Mark Zuckerberg, người sáng lập và là Giám đốc điều hành Facebook, đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng: “Steve, cảm ơn anh vì anh đã làm một người cố vấn cho tôi và còn là một người bạn. Cảm ơn anh đã cho chúng tôi nhận thấy rằng, những gì anh xây dựng có thể thay đổi thế giới. Tôi sẽ nhớ anh”. 

Bill Gates, người đồng sáng lập và là Chủ tịch của Microsoft, đã nói trong một bài phát biểu rằng: “Steve và tôi gặp nhau lần đầu tiên cách đây gần 30 năm, và đã trở thành các đồng nghiệp, đối thủ cạnh tranh và là những người bạn của nhau trong suốt thời gian dài hơn nửa đời người của chúng tôi. Thế giới hiếm khi thấy một người có tác động sâu sắc như Steve đã làm, những hiệu quả từ những điều mà Steve đã làm sẽ được nhiều thế hệ sau này tiếp tục cảm nhận. Đối với những ai có may mắn được làm việc với anh thì đấy là một vinh dự tuyệt vời”. 

Bob Iger, Giám đốc điều hành của Công ty Walt Disney, cho biết: “Steve Jobs là một người bạn tuyệt vời và là người cố vấn đáng tin cậy. Di sản của anh sẽ được mở rộng xa hơn các sản phẩm mà anh đã tạo ra và cả các doanh nghiệp mà anh đã xây dựng. Steve đã tạo cảm hứng cho hàng triệu người, đã làm thay đổi hàng triệu cuộc sống”. 

Michael Bloomberg, Thị trưởng thành phố New York, phát biểu: “Steve Jobs là một thiên tài, là người sẽ được toàn thế giới tưởng nhớ cùng với Edison và Einstein. Những ý tưởng của anh sẽ định hình thế giới trong nhiều thế hệ”. 

Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, đã nhận định: “Có lẽ không có tặng phẩm nào dành cho Steve vĩ đại hơn so với sự thật là có rất nhiều người trên thế giới đã biết được tin về sự qua đời của anh ngay trên những thiết bị mà anh đã phát minh ra”. 

Mặc dù Steve rất thành công trong phát minh, sáng tạo và trong kinh doanh như thế, nhưng ông không hề tự cao, không cảm thấy tự hào về bản thân, ngược lại ông rất khiêm tốn và biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người, thân thiện với đồng nghiệp và với đối tác của ông. Trong một bài phóng vấn đăng trên báo Businessweek vào năm 2004, Steve đã nói: “Chúng tôi làm những việc mà ở đó chúng tôi thấy mình có thể có sự đóng góp đáng kể. Và mục đích chính của chúng tôi không phải là để trở thành người lớn mạnh nhất và giàu có nhất”. 

Dù Steve sở hữu một lượng tài sản khổng lồ, nhưng cuộc sống của ông khá đơn giản, như lời John Sculley, Giám đốc marketing của Pepsi, đã phát biểu với báo Businessweek năm 2010: “Steve là một người sống giản dị. Tôi nhớ khi đi tôi vào nhà của Steve, anh hầu như chẳng có bất cứ đồ nội thất nào cả. Anh chỉ có một bức tranh của Einstein, người mà anh vô cùng ngưỡng mộ, một cây đèn tifany, một cái ghế và một cái giường”. 

Steve Jobs là một con người của thời đại, một người Phật tử hiểu đạo và có sự hành trì. Ông đã vượt qua tất cả những chướng ngại trong cuộc sống để cống hiến cho cuộc đời, làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Steve Jobs đã ra đi nhưng những đóng góp của ông vẫn còn đó, hàng triệu người trên thế giới vẫn luôn nhớ về ông, vẫn được lợi lạc từ những phát minh của ông. 

Minh Nguyên
Sources:Giacngo.vn

Chàng trai “quản lý” 250 đàn ong

Mới 19 tuổi nhưng Phạm Văn Bảo Trung (khu phố An Lạc, thị trấn Đinh Văn, H.Lâm Hà, Lâm Đồng) đã có 3 năm nuôi ong lấy mật thành công, đem lại doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Bảo Trung kể: Đầu năm 2009, do không có “duyên phận” với đường học vấn nên anh bỏ ngang chuyện học khi chưa hết lớp 10 để về nhà phụ giúp bố mẹ làm cà phê. Làm chưa được một tháng, bất ngờ một hôm có người ở xã Đạ Đờn mang 100 đàn ong mật đến vườn nhà Trung nhờ đặt vào vườn cà phê để ong hút mật hoa. Quan sát đàn ong cũng như cách chăm sóc của người này trong mấy ngày ở vườn nhà, Trung bỗng cảm thấy thích nuôi ong một cách lạ kỳ. Thế là xin phép bố mẹ, Trung khăn gói theo người nuôi ong này để phụ việc và học nghề. Với niềm đam mê, chịu khó học hỏi, chỉ trong vòng 6 tháng, Trung đã thu được nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi ong.

Phạm Văn Bảo Trung trong trại ong của mình - Ảnh: G.B 

Trở về nhà, Trung trình bày dự án, kế hoạch nuôi ong của mình và thuyết phục bố mẹ, bà con anh em cho mượn tiền để đầu tư. Ban đầu, nhiều người không tin vào khả năng của chàng trai 16 tuổi lúc bấy giờ, nhưng thấy sự quyết tâm của Trung nên cuối cùng mọi người cũng đồng ý. Trung vay mượn được 50 triệu đồng và đầu tư mua 80 đàn ong về nuôi trong vườn cà phê của gia đình. “Cũng may tìm được chỗ mua và giá lúc đó cũng rẻ chứ bây giờ số tiền ấy chỉ mua được khoảng 30 đàn”, Trung cho hay. Có ong, Trung tập trung chăm sóc và chỉ 4 tháng sau, qua mùa thu hoạch (mật, phấn, sữa ong chúa) đầu tiên, Trung đã thu hồi vốn và có lãi được số ong ban đầu. Từ đó, Trung càng tập trung nuôi và nhân đàn, đến nay trại nuôi ong của Trung đã có 250 đàn ong. Trung cho biết: “Hằng năm vào mùa hoa cà phê (từ tháng 12 đến tháng 4) thì thu hoạch mật và phấn, còn từ tháng 5 đến tháng 11 chỉ tập trung thu sữa ong chúa”. 

“Nuôi ong thật ra cũng không khó lắm, chỉ cần siêng năng, chăm sóc, vệ sinh thường xuyên cho đàn ong. Ngoài việc cho ăn ở nhà, hằng năm, vào mùa hoa cà phê cũng phải di chuyển cả trại ong đến những nơi có vườn hoa đẹp, thậm chí sang tận Đắk Lắk để ong hút mật và thay đổi môi trường sống. Nhưng điều quan trọng nhất là phải theo dõi thật kỹ, phát hiện lúc nào ong bị bệnh để điều trị kịp thời, nếu không sẽ rất nguy hiểm”, Bảo Trung chia sẻ. Từ thành công này, Trung cho biết sắp tới vẫn tập trung nhân đàn, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc, điều trị bệnh để phát triển, mở rộng quy mô trại ong.

Trao đổi về mô hình này, chị Giáp Thị Thủy, Bí thư Huyện đoàn Lâm Hà, nhìn nhận: “Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, từ hai bàn tay trắng, Phạm Văn Bảo Trung đã tìm tòi, phấn đấu, dám nghĩ, dám làm để có được một trại ong như ngày hôm nay. Trung là tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ huyện nhà trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Mô hình này cần được nhân rộng để các thanh niên khác học tập và làm theo…”.
Gia Bình
Sources:Thanhnien.com.vn

Lương y của người nghèo

Buổi sáng, vừa dựng xe ở sân chùa, Sơn vội vã bước vào phòng khám bệnh, nơi đó hàng chục người đang chờ. Công việc hằng ngày này là niềm vui, sự đam mê của anh suốt 12 năm qua khi duyên nợ đẩy đưa anh về vùng đất này.

Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch Hội Đông y huyện Cần Giờ (TP.HCM), chữa bệnh miễn phí cho người nghèo suốt 12 năm qua. Anh vừa được nhận bằng khen Thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2012 do Bộ Y tế trao tặng.

Tận dụng cây cỏ

Lúc nhỏ sống ở Cà Mau, Sơn ảnh hưởng sâu sắc từ ông ngoại hành nghề thuốc nam chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Học hết lớp 12, Sơn xin gia đình học y học cổ truyền và theo học khóa Lương y thừa kế do Tịnh độ cư sĩ Phật hội VN đào tạo tại TP.HCM.
Sau khi hoàn thành khóa học năm 2001, Sơn về Hưng Cần tự ở huyện Cần Giờ khám chữa bệnh tại đây. “Lúc đó chùa chỉ có một phòng khám đơn giản, chưa có phòng châm cứu, bào chế. Điều kiện ở huyện Cần Giờ cũng còn nhiều khó khăn về kinh tế, đi lại nên mọi thứ mình phải gầy dựng”, Sơn nhớ lại.
 Công việc hằng ngày của lương y Nguyễn Thanh Sơn - Ảnh: Tr.Cường
Khởi đầu gần như với hai bàn tay trắng, với nhiệt huyết của sức trẻ, không ngại khó, Sơn quyết tâm tận dụng cây cỏ chữa bệnh tại địa phương.

Cứ sau buổi sáng khám bệnh, Sơn lại lặn lội ở các xã sưu tầm cây thuốc. Để có đầy đủ thuốc chữa bệnh, Sơn liên hệ xin thuốc ở các phòng khám, vườn thuốc của nhiều địa phương. Nhưng cái khó là phương tiện chuyên chở. “Do phòng khám không có nguồn tài trợ nhất định nên mỗi lần đi lấy thuốc phải xin xe để chở thuốc về”, Sơn kể. Nhớ về những ngày khởi đầu gian khó, Sơn nhận ra động lực giữ chân mình ở vùng đất này là nhờ yêu quý, cảm thương những người dân chân chất, lam lũ nhưng nghèo, không có tiền chữa trị khi mắc bệnh. “Lúc đầu mình được phân công về huyện Cần Giờ sáu tháng nhưng ai ngờ lại sống miết ở đây luôn” - Sơncười nói.

Gắn với hoạt động Đoàn 

Thường vào hai ngày cuối tuần, Sơn lên Q.10 truyền nghiệp vụ y học cổ truyền và sau đó khám chữa bệnh cho người nghèo ở Q.6. “Nhiều hôm kẹt việc, sáng thứ hai chạy xe về sớm để khám bệnh không bà con trông, nhiều lúc không kịp ăn sáng”, Sơn cho biết. Bà Lâm Hoàng Diệu, 50 tuổi, nói mình “bị tai biến liệt một bên người nhưng nghèo không có tiền chữa trị, nhờ thầy Sơn tận tình thuốc thang, châm cứu nên giờ đã bình phục”. 

Ngoài việc khám chữa bệnh, học tập, Sơn còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn của địa phương. Với vai trò bí thư Đoàn khu phố, anh thành lập Câu lạc bộ Nhân Ái thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên và những người khác tham gia công tác xã hội từ thiện. Câu lạc bộ tập huấn giới thiệu những vị thuốc thường gặp cho thanh niên, học sinh và người dân biết sử dụng. Nhờ vậy mọi người đã tìm kiếm, hỗ trợ phòng khám một lượng thuốc khá lớn. 

Thông qua đó CLB cũng giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, học sinh về lòng nhân ái, đồng cảm với những phận đời bất hạnh để tu dưỡng đạo đức. Nhờ nhiều mối quan hệ, Sơn tranh thủ góp nhặt từng sự ủng hộ để tổ chức các chuyến đi khám chữa bệnh, tặng quà cho những bệnh nhân nghèo ở các xã khó khăn, xa xôi trong huyện. 

Chị Trần Thị Thanh Thanh, bí thư Đoàn thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), cho biết ở vai trò bí thư khu phố hay ủy viên ban chấp hành Đoàn thị trấn, anh Sơn đều tạo được niềm tin và thu hút nhiều đoàn viên tham gia các hoạt động Đoàn, công tác xã hội. Nhiều đoàn viên, thanh niên học hỏi tấm gương “tự học, tự nghiên cứu” không ngừng nghỉ của anh Sơn. “Anh Sơn thương mấy đoàn viên nhà nghèo. Có em bị bệnh nặng, anh đến tận nhà khám chữa bệnh”, chị Thanh cho biết. Theo chị Thanh, anh Sơn còn tích cực vận động phong trào hiến máu nhân đạo và là thanh niên hiến máu nhiều nhất huyện. 

Trong buổi trò chuyện, Sơn khoe huyện đã cấp địa điểm cho Hội đông y hoạt động nhưng đang chờ sửa chữa. Từ sự tiếp sức này, tấm lòng thiện nguyện của lương y trẻ Nguyễn Thanh Sơn sẽ được chắp cánh đến với nhiều người nghèo.


Mở rộng phòng khám
Từ một phòng khám đơn sơ, đến nay phòng khám có nhiều phân khoa như nam dược, châm cứu, dưỡng sinh, xoa bóp và bào chế thuốc thành phẩm. Do địa phương có nhiều lao động kiếm sống ngoài biển và người lớn tuổi không có thời gian, điều kiện sắc thuốc, Sơn mày mò nghiên cứu và đến năm 2009 xin Sở Y tế TP thành lập phòng bào chế đông dược sản xuất thuốc thành phẩm để bệnh nhân dễ sử dụng. Với lượng bệnh nhân ngày càng đông và nhiều căn bệnh, Sơn tiếp tục theo học các khóa đào tạo lương y của ĐH Y dược TP, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch... để nâng cao trình độ.
Để mở rộng hơn nữa công tác thiện nguyện, Sơn vận động và thành lập Hội Đông y huyện vào tháng 9-2011.


Trung Cường
Sources:Thanhnien.com.vn

Mẹ Ơi!

Mẹ ơi!


Trong ký ức tuổi thơ con, mẹ chỉ là một người xa lạ làm cầu nối cho con xuất hiện ở cuộc đời sau tiếng khóc đầu tiên.

Là người dẫn đường cho con đến trường để học hát ca, chơi đùa cùng bạn bè ở trường mẫu giáo mà con rụt rè sợ sệt khi lần đầu đến lớp.

Người cho con ăn và chơi với con mỗi lúc con buồn, làm trò vui cho con cười nắc nẻ những khi con đang co mình trong cơ thể gầy gò bệnh tật.

Người làm con thấy ghét vì trận đòn đau đầu đời mà con còn nhớ mãi khi óc tò mò đã dẫn con lên dãy núi cao trước nhà để khám phá… nhưng giờ con mới hiểu đó là trò rồ dại.

Là người mà con cảm thấy sợ sệt gần gũi bởi mọi người đều nói mẹ bị điên….

Vậy mà, người điên đó đã không ngại miệng đời thế gian, một thân một mình đến những nơi xa xôi vất vả mưu sinh kiếm tiền cho con ăn học.

Sau bao năm khổ cực, tưởng chừng hạnh phúc đến với mẹ khi mẹ đã có người đàn ông yêu thương cùng sớt chia gian khổ với mình và con cũng được tận hưởng hạnh phúc gia đình bé nhỏ dù con biết đó chỉ là vay tạm.

Tiếc rằng, hạnh phúc thật ngắn ngủi!

Hạnh phúc đó cũng nhanh chóng mất đi bởi tình yêu của thế gian nào có vững bền khi lòng người quá tham lam và ích kỷ thì một người phụ nữ nào có đủ phải không mẹ? Mẹ đừng ưu sầu và cũng đừng trách đừng buồn người bạn đời của mình chi mẹ nhé! Bởi cuộc đời vốn dĩ đã vô thường thì tình yêu cũng đâu thể nào bất biến!

Con biết mẹ buồn nhiều khi phải sớt chia tình cảm mà mình rất yêu thương, gìn giữ nhưng cố nén nỗi đau vì mẹ còn rất nhiều nỗi lo khác.

Mẹ còn lo con mình chưa ổn định cuộc sống, vẫn chưa an tâm khi con chưa thành công để mẹ có thể sống cuộc sống của chính mẹ hoặc có thể ra đi trong bình yên và thanh thản nếu lỡ mai sau…

Mẹ có biết không? Mỗi lần con buồn, con chỉ mong được nghe tiếng nói của mẹ. Người nhà quê, ít học nhưng có thể giải đáp tâm tư cho con bất cứ thứ gì trong cuộc sống, từ nhà trường, công việc, bạn bè… với những kẻ yêu người ghét….luôn tìm ra lối đi cho con những lúc con mù quáng, chơi vơi. Con cũng biết mẹ cứ lo lắng nghĩ con có chuyện buồn khi thấy con hay gọi về cho mẹ, nhưng chỉ một sự thật đơn giản nữa là: Con thích nghe giọng nói của mẹ mà thôi!

Mẹ có biết không? Con thật xấu hổ, không phải chỉ vì con chưa thể lo cho mẹ gì nhiều mà vì con không đủ can đảm để ôm lấy mẹ và nói rằng “Con thương mẹ lắm, mẹ biết không?”

Chắc mẹ không thể nhớ đâu? Cũng đã hơn 15 năm về trước rồi, trong một buổi trưa chuyện trò vớ vẩn về kiếp sống con người, có lẽ bốc đồng con đã nói: “Con không hối tiếc vì đã được sinh ra trong gia đình mình”. Đây mới là lời thật sự của con: “Con cảm thấy may mắn vì được làm con của mẹ và nếu có kiếp sau, mẹ hãy tiếp tục đồng hành cùng con mẹ nhé!”

Lúc này con ước gì có thể về ngay bên mẹ giúp mẹ vơi đi nỗi buồn...Mẹ thật sự là người mẹ - người bạn tuyệt vời của con, mẹ biết không?...Những điều mà con không dũng cảm nói ra... 

Con sẽ cất giữ lá thư này, nhất định sẽ có ngày con sẽ nói với mẹ những điều từ tận đáy tim con, không chỉ bằng những lời nói suông hay những giọt nước mắt đang tuôn tràn trên má con mà sẽ bằng những hành động và việc làm chân thật của con dành cho mẹ, Mẹ của con!

NTPD
Makati, ngày 22 tháng 02 năm 2013.

Technology