Năm 1990 tôi bắt đầu công việc tìm kiếm hài cốt người đã mất bằng khả năng đặc biệt của mình...
Là nhà ngoại cảm tầm vóc nhất hiện nay tại Việt Nam, có công phát hiện trên 10,000 hài cốt, Phan Thị Bích Hằng pháp danh Tuệ Đức, cho biết ăn chay, niệm Phật, tụng kinh là các phương tiện tốt hỗ trợ chị tìm ra các hài cốt trong những điều kiện và hoàn cảnh khó tìm nhất.
Trong buổi cùng thuyết trình với thầy Thích Nhật Từ tại chùa Hoằng Pháp vào ngày 25-3-2007, chị mặc áo tràng rất trang nghiêm. Xin chị cho biết cơ duyên nào đã giúp chị đến với đạo Phật?
Cơ duyên đến với đạo Phật của tôi là một sự tình cờ. Tôi vốn được sinh ra trong một gia đình gia giáo nên được ông nội dạy phải biết kính Phật, trọng Tăng, nên từ nhỏ tôi rất sùng tín đạo Phật. Tháng nào tôi cũng đi lễ chùa. Khi buồn hay căng thẳng tôi rất thích đến chùa, quỳ trước Tam bảo để tĩnh tâm.
Thuở đó, tôi chưa nghĩ đến việc quy y vì ngộ nhận rằng quy y là việc của người già, còn người trẻ làm sao giữ được 5 điều đạo đức; quy y mà không giữ trọn vẹn giới pháp sẽ đắc tội với Phật. Do vì thiếu tự tin và sợ, tôi không dám quy y.
Đúng ngày Phật đản PL.2551 tôi gặp chuyện không vui nên tôi đi lễ tại một ngôi chùa lớn ở TP.HCM. Như mọi lần, tôi chắp tay lạy Phật và "giải bày tâm sự" trước bàn thờ Tổ. Tôi thấy một làn gió rất thơm, phảng phất trước mặt và có giọng nói rất ấm áp, trìu mến: Con đừng bi luỵ, con là người có rất nhiều công đức, con đã quy y chưa? Tôi ngỡ ngàng trả lời: Con chưa quy y. Giọng nói trìu mến lại vang lên: Con quy y đi, con có hạnh Bồ-tát. Là con của Phật, Phật sẽ gia hộ cho con. Tôi hỏi: Ai sẽ quy y cho con? Người ấy trả lời: Ta sẽ quy y cho con, ta đặt pháp danh con là Tuệ Đức. Tôi thưa: A-di-đà Phật. Thầy là ai vậy? Cụ nói: Ta ở trước mặt con. Tôi ngước lên thì thấy bóng áo vàng đã khuất sau tấm ảnh nhà sư trụ trì chùa. Chỉ còn ánh mắt cụ đang trìu mến nhìn tôi và mùi hương vẫn còn phảng phất.
Ngay sau đó, tôi trình sự việc với sư ông ở chùa và được sư ông làm lễ quy y trên điện Phật ngay. Từ đó, tôi chính thức trở thành Phật tử Tuệ Đức.
Đến nay, chị đã có công phát hiện trên 10,000 hài cốt mất tích. Công đức này là vô lượng. Riêng năm 2009, chị đã phát hiện hơn 1.000 hài cốt tại Phú Quốc và nhiều nơi khác. Xin chị cho biết, bằng cách nào chị có thể làm được việc này, trong khi tại Việt Nam hiện nay còn có hàng trăm nhà ngoại cảm khác, nhưng lại không phát hiện được?
Năm 1990 tôi bắt đầu công việc tìm kiếm hài cốt người đã mất bằng khả năng đặc biệt của mình. Những nhà yêu nước và liệt sĩ là đối tượng, tôi luôn đặt ưu tiên lên hàng đầu. Trải qua 20 năm làm việc không mệt mỏi, tôi thấy tôi sinh ra là để thực hiện sứ mạng thiêng liêng đối với những người đã ngã xuống vì đất nước.
Tôi làm công việc này bằng cả tấm lòng và cam kết. Động lực lớn lao thôi thúc tôi, giúp cho tôi vượt qua bao gian khổ, khó khăn nắng núi, mưa rừng để đi tìm liệt sĩ chính là những giọt nước mắt bà nội, bà ngoại tôi khóc cho các bác tôi mỗi ngày 27.7, cũng như những dòng nhật ký bốtôi viết cho mẹ trong những năm tháng bốở ngoài mặt trận. Những dòng chữ mực Cửu Long trên giấy ốvàng tôi đã đọc thuộc lòng từ khi mới biết bập bẹ ghép vần.
Qua những trang nhật ký tôi hiểu được sự mất mát hy sinh, nỗi đau không gì bù đắp được mà chiến tranh đã gây ra, và tôi đã nguyện cống hiến khả năng cao nhất để góp phần chia sẻ nỗi đau chiến tranh của đất nước, trong đó có gia đình tôi. Có lẽ chính vì tình cảm, tâm nguyện đó mà tôi đã có cơ duyên nhiều hơn với những người đã khuất.
Tôi luôn được các liệt sĩ về dẫn dắt, chỉ bảo. Việc tìm thấy trên 1.000 hài cốt liệt sĩ ở Phú Quốc cũng là do cơ duyên mà cựu tù Phú Quốc Nguyễn Trọng Dư đã đến nhờ tôi đi tìm đồng đội, tôi đi theo tiếng gọi của tình đồng đội và sự trao gửi sứ mạng thiêng liêng của linh hồn các liệt sĩ cho tôi và chú Dư. Các nhà ngoại cảm khác chưa có cơ duyên đến đó nên không phát hiện ra. Chứ nếu đến đó, họ cũng có thể phát hiện ra.
Chị có thể cho biết có sự khác biệt nào chăng giữa phương pháp ngoại cảm của chị và các nhà ngoại cảm khác, chẳng hạn như bà Năm Nghĩa (BRVT) và Nguyễn Thị Phương ở Hàm Rồng, Thanh Hóa?
Mỗi người có một khả năng khác nhau. Khả năng của tôi là đối thoại với hương linh để nhận thông tin, hình ảnh và sự hướng dẫn của hương linh để tìm hài cốt. Em Phương thì các hương linh nhập trực tiếp vào, mượn thể xác của Phương để giao lưu với người sống. Còn cô Năm Nghĩa thì tôi chưa có dịp tìm hiểu nên không rõ về sở trường của cô ấy.
Đối thoại với hương linh hình như là cách giúp chị phát hiện thêm các hài cốt bị mất tích và quên lãng. Vậy, phương pháp thấu thị mà chị đang sở hữu và sử dụng để tìm hài cốt mất tích có thể dẫn đến tình trạng chị không quan tâm chính đến cách giúp cho hương linh được siêu hay không? Nếu các hương linh siêu hết thì ai sẽ chỉ điểm cho chị trong các cuộc tìm kiếm hài cốt?
Sử dụng khả năng thấu thị để tìm hài cốt không ảnh hưởng gì đến sự giúp đỡ cho các hương linh siêu thoát. Qua 20 năm làm việc về ngoại cảm, tôi đã tiếp xúc với hàng chục ngàn các hương linh già, trẻ, trai, gái, người mới chết ít nhất là 7 ngày, người lâu nhất có tới mấy trăm năm, có những người rất dễ gặp, có những người rất khó gặp, cũng có những người không thể gặp được.
Có người gặp thì nhẹ nhàng như vừa thực hiện xong một cuộc phiên dịch. Có người gặp xong thì tôi như bị sốt rét. Còn phần lớn, gặp xong thì rất đau đầu và mỏi hai vai. Sau này tôi mới biết người như thế nào thì gặp nhẹ nhàng, người như thế nào thì đau đầu và người như thế nào thì sốt rét. chết đuối dưới nước là những người làm tôi bị sốt rét. Những người đã quy y cửa Phật, được con cháu tụng kinh chu đáo thì nhẹ nhàng, thanh thản.
Phần lớn các hương linh tôi tiếp xúc đều mong muốn được cầu siêu, vì vậy tôi luôn quan tâm tìm cách giúp họ siêu thoát. Từ năm 2005 đến nay tôi đã tham dự, tổ chức và đồng tổ chức trên 30 lễ cầu siêu quy mô lớn và hàng trăm lễ cầu siêu quy mô gia đình. Khi đã siêu rồi thì phần thể xác đối với các hương linh không còn quan trọng nữa nên tôi gặp nhiều khó khăn khi đi tìm họ. Trong trường hợp đó, tôi nhờ người thân của người mất chỉ dẫn trong các cuộc tìm kiếm. Trong thế giới chưa siêu thoát, quan hệ huyết thống và tình thâm như được thắt chặt hơn, họ quan tâm và biết về nhau nhiều hơn.
Nhiều hương linh hiểu đạo không đòi hỏi cúng kiếng, quần áo vàng mã (vì không hưởng thụ được) mà chỉ căn dặn con cháu hãy làm việc thiện và cầu nguyện nhiều cho họ để họ mau tái sinh. Ví dụ, năm 2008 trong đợt cầu siêu các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn lần thứ nhất vào ngày 18,19 tháng 10 tại đảo Phú Quốc, tôi được mời ra dự lễ cầu siêu.
Trong lúc chuẩn bị làm lễ, tôi vào rừng tìm hài cốt liệt sĩ. Rất đông các liệt sĩ dẫn tôi vào tận rừng sâu, họ nói chuyện với tôi mà vẫn rên xiết, đau đớn vì bị đánh đập, tra tấn dã man, tù đầy lao khổ. Họ nói họ bị vùi chôn tập thể, chồng chất lên nhau. Họ thèm được ăn bát cơm gạo trắng thơm (vì trong tù toàn ăn cơm mục). Họ thèm được nhìn thấy cờ tổ quốc, thấy đồng chí đồng đội, thèm nghe tiếng chuông chùa. Cuộc trò chuyện thấm đẫm nước mắt. Chính nơi các liệt sĩ lên gặp tôi là nơi đã khai quật được hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ.
Lễ cầu siêu lần thứ 2 vào 20, 21 tháng 12 năm 2008 các liệt sĩ lên không còn kêu la nữa mà là một cuộc nói chuyện hàn huyên với đồng đội đầy ắp niềm vui, tiếng cười. Họ nói với đồng đội là thèm được ngửi mùi mực nướng, thích ăn cơm cá liệt (là thứ cá mà chế độ trước cho tù ăn, còn gọi là cá hong lội, là "lôi họng" vì ăn không khéo xương móc vào họng phải lôi họng ra) hơn là cơm chay.
Lần cầu siêu thứ 3 vào 25, 26 tháng 7 năm 2009 các liệt sĩ về gặp tôi ít hơn và họ còn vui vẻ duyệt binh nữa. Rồi sau đó khi đi đào tìm các liệt sĩ thì họ nói: đừng tìm nữa, các bác các chú thanh thản lắm rồi, xương chôn chồng chất lên nhau, mục hết cả rồi; để nằm nguyên dưới đất thì còn nguyên vẹn, chứ bốc lên lại lẫn lộn hết. Vả lại, phần linh hồn đã được giải thoát rồi xác thân trả lại cát bụi thôi. Các bác còn vui vẻ hỏi nhau: "Chân mày lắp vào đầu ai vậy? Có đi được không?"
Qua 3 lần cầu siêu trong vòng 1 năm trời tại cùng một địa điểm là đảo Phú Quốc có lẽ phần lớn các hương linh đã được giải thoát và họ không còn phải đau khổ với thân trung ấm, cảnh giới trung gian giữa sống và chết.
Là nhà ngoại cảm nổi tiếng và có thành tích nhất hiện nay, đồng thời cũng là một Phật tử, xin chị cho biết Phật pháp có giúp ích gì trong công việc tìm kiếm hài cốt của chị không?
Phật pháp đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong việc tìm kiếm hài cốt. Nhiều khi đi tìm kiếm quá khó khăn, tôi đọc kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng, niệm Phật, ăn chay và nhờ đó mà tìm được. Có những khi tìm mấy ngày mà không tiếp xúc được với hương linh tôi cùng gia đình của các hương linh, tìm một ngôi chùa gần đó, vào xin nguyện cầu giải thoát cho hương linh, và nhờ thế lại tiếp xúc được họ.
Là người được quá nhiều người quan tâm, nhờ cậy nên tôi phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía, kể cả áp lực về dư luận xã hội, những điều thị phi, những người mượn danh tôi để lừa gạt kiếm tiền. Nhiều khi tôi thực sự bị stress và bị tổn thương nặng nề. Nhưng chính tấm gương của đức Phật, tinh thần từ bi hỷxả của đạo Phật đã giúp tôi vượt qua được mọi thị phi, tham sân si của đời thường để tập trung trí huệ vào công việc tìm kiếm hài cốt đạt kết quả cao hơn.
Vừa là nhà ngoại cảm, đồng thời cũng là giảng viên đại học, Chủ tịch Quỹ từ thiện Tâm vàng, xin chị cho biết các công việc này có trở ngại lẫn nhau không? Xin chị chia sẻ nghệ thuật sử dụng ngân quỹ thời gian của chị thế nào?
Thực ra, tôi chẳng có nghệ thuật nào. Tất cả những gì tôi làm là tâm huyết và tuỳ duyên thôi. Là người đóng nhiều vai trò, đảm đương nhiều chức năng, nhiệm vụ nên tôi thực sự bị kẹt giữa quỹ thời gian. Rất may Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ nơi tôi đang công tác đã đặc biệt ưu ái cho tôi về thời gian, nên tôi bớt những trở ngại trong các công việc khác. Dù sao trở ngại về thời gian là điều không thể tránh khỏi.
Ngày thường, tôi đến trường làm việc 8 giờ vàng ngọc như mọi người. Bắt đầu từ 8h30 sáng. Trong lúc làm việc, tôi vẫn phải dành thời gian nghe các cuộc điện thoại, hướng dẫn thủ tục tìm mộ và làm các công việc tâm linh.
Đôi khi đang làm việc, tôi phải dừng lại để chỉ đẫn tìm mộ cả mấy chục phút đồng hồ. Đồng nghiệp của tôi phải giải quyết công việc giúp tôi. Khi rảnh, họ còn rất thích thú ngồi nghe tôi điều khiển tìm mộ qua điện thoại. Có những khi đang ăn cơm trong bàn cùng mọi người, tôi vẫn phải chỉ nhặt xương này, xương kia. Lúc đầu các đồng nghiệp sợ sau rồi quen. Họ lại cùng chờ đợi, chia sẻ cảm giác vui sướng, hạnh phúc của những gia đình tìm thấy hài cốt ở đầu dây bên kia.
Sau giờ làm việc ở cơ quan, mỗi ngày tôi dành 4 giờđể tiếp nhận và xử lý hồ sơ của các thân nhân gia đình đến nhờ tìm mộ người thân. Đêm đến từ 11h đến 1, 2h là giờ tôi làm việc tâm linh. Ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật tôi hay đi tìm hài cốt tại thực địa. Một tháng một lần tôi đi làm từ thiện. Lần đi trao quà từ thiện ở tỉnh nào, tôi cũng kết hợp công tác tìm mộ liệt sĩ ở nơi có địa chỉ của chiến tranh.
Cuộc sống của tôi cứ như thế trôi qua với nhiều niềm vui trong bận rộn.
Chân thành cảm ơn chị và chúc chị có nhiều sức khỏe để phát hiện nhiều hơn nữa các hài cốt mất tích.
Source: Daophatngaynay.com
0 nhận xét:
Sẻ Chia Yêu Thương
Những tấm gương người tốt việc tốt, những câu chuyện cảm động về tình cảm giữa con người với con người luôn có mặt trong đời sống của mỗi chúng ta. Nếu bạn bắt gặp những câu chuyện ấy, xung quanh mình, hay ngay chính cuộc sống của mình, hãy chia sẻ với Hoa Tâm theo địa chỉ: Hoatam@outlook.com