Sau khi đã gửi đi vô số hồ sơ và chờ đợi, bạn rốt cục được một công ty hẹn phỏng vấn. Đây là lúc quyết định bạn có kiếm được công việc mong muốn hay không.
Nếu bạn có một cuộc phỏng vấn tốt, công việc có thể sẽ thuộc về bạn. Tuy nhiên, theo trang CareerCast.com, cơ hội sẽ tuột khỏi tầm tay nếu bạn mắc phải 1 trong 10 lỗi dưới đây:
1. Bạn không tìm hiểu về công ty
Trong một cuộc phỏng vấn xin việc, bạn có thể được nhà tuyển dụng hỏi xem bạn có muốn hỏi họ một câu hỏi nào đó khó. Đây là cơ hội hoàn hảo để bạn tìm hiểu thêm vị trí đang cần tuyển hoặc thông tin về công ty đang phỏng vấn bạn. Tuy nhiên, bạn sẽ mất điểm nếu bạn hỏi một câu hỏi nào đó mà lẽ ra bạn chỉ cần tìm hiểu qua là biết câu trả lời.
Bởi vậy, trước cuộc phỏng vấn, bạn cần tìm hiểu về công ty trên website của họ, tuyên ngôn về sứ mệnh của công ty, cũng như mô tả đầy đủ về công việc mà bạn được phỏng vấn. Tốt hơn nữa, bạn nên đọc những bài báo gần đây về công ty.
2. Bạn đến muộn
Bất kỳ nhà nhà tuyển dụng nào cũng coi trọng việc đúng giờ. Nếu bạn đến phỏng vấn muộn, họ sẽ cho rằng, nếu tuyển bạn vào công ty, ngày nào bạn cũng sẽ đi làm muộn. Vì thế, trước khi đi phỏng vấn, bạn cần xác định tuyến đường để tới nơi phỏng vấn, đồng thời in ra một tấm bản đồ để tránh bị lạc. Hãy lên đường sớm để đến nơi trước giờ phỏng vấn. Đồng thời cũng phải đảm bảo là xe bạn không bị hết xăng giữa đường.
3. Bạn ăn mặc không phù hợp
Có thể bạn cho rằng, việc ăn mặc phù hợp khi đi phỏng vấn là chuyện ai cũng phải biết, vẫn có những người mặc quần áo nhăn nhúm, quần jean rách, hoặc thậm chí là mang một bộ tóc ướt tới nơi phỏng vấn. Khi đến phỏng vấn, hãy mặc một bộ quần áo sạch sẽ, phẳng phiu, phù hợp với vị trí công việc mà bạn đang xin. Tránh dùng nước hoa hoặc nước thơm.
4. Bạn tỏ thái độ tiêu cực trong khi được phỏng vấn
Các nhà tuyển dụng muốn làm việc với những người có quan điểm tích cực và có khả năng làm việc theo nhóm. Nếu được hỏi lý do tại sao bỏ công việc gần nhất, bạn nên tránh đưa ra quan điểm tiêu cực trong câu trả lời của mình. Nói tiêu cực sẽ tạo cho bạn hình ảnh xấu. Trong cuộc phỏng vấn, tránh phàn nàn về sếp cũ, đồng nghiệp hoặc môi trường làm việc cũ.
5. Đưa ra những câu trả lời khuôn mẫu
Không có gì là sai khi bạn chuẩn bị trước cho một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn không nên chuẩn bị quá kỹ đến nỗi đưa ra câu trả lời đã thuộc làu cho những câu hỏi quen thuộc. Nhà tuyển dụng muốn thực sự biết bạn là người thế nào, chứ không phải là những câu trả lời bạn đã đọc trong sách, báo. Trong cuộc phỏng vấn, hãy sử dụng những câu chuyện cá nhân, liên quan tới công việc để làm câu trả lời của bạn trở nên độc đáo.
6. Bạn không hỏi nhà tuyển dụng câu hỏi nào
Khi bạn tương tác với nhà tuyển dụng là bạn cho thấy mối quan tâm của họ đối với vị trí cần tuyển. Nếu bạn chỉ trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng mà không hỏi lại họ, nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn là người thụ động. Trong cuộc phỏng vấn, bạn hãy hỏi những câu hỏi liên quan tới công việc mà bạn đang nộp hồ sơ, chẳng hạn “Vì sao nhân viên trước lại rời vị trí này?”, “Công việc hàng ngày của vị trí này là như thế nào?”, “Những người như thế nào có thể thành công ở vị trí này?”…
7. Bạn bị run
Phỏng vấn xin việc là quan trọng, nhưng không nên để áp lực khiến bạn bị run. Hãy nhớ, vẫn ổn nếu bạn không biết câu trả lời cho một câu hỏi phỏng vấn nào đó. Trong suốt cuộc phỏng vấn, hãy thoải mái và thở sâu. Nếu không đưa ra được câu trả lời trước một câu hỏi nào đó, đừng hoảng sợ. Hãy thú nhận rằng bạn không chắc về vấn đề đó, nhưng đưa ra phỏng đoán tốt nhất có thể. Quan trọng hơn cả là bạn không nói dối hoặc tô vẽ cho câu trả lời của mình, vì bạn có thể bị lộ tẩy sau đó.
8. Bạn lạc đề
Những người có bản chất cởi mở thường có xu hướng đi lệch vấn đề. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng có thể lạc đề trong cuộc phỏng vấn, còn bạn thì không nên. Đừng nói về con mèo của bạn đáng yêu ra sao, hay đội bóng yêu thích của bạn chơi thế nào. Nhà tuyển dụng không có thời gian để “tám” với bạn. Trong cuộc phỏng vấn, hãy giữ các thông tin cá nhân, không liên quan ở mức tối thiếu. Chỉ nói về các thông tin cá nhân khi được hỏi, và nên nói ngắn gọn.
9. Bạn lơ đễnh
Có nhiều thứ có thể khiến bạn xao nhãng trong một cuộc phỏng vấn. Bạn có thể lắng tìm câu trả lời cho các câu hỏi, hoặc băn khoăn không biết một cuộc phỏng vấn khác diễn ra vào ngày mai sẽ như thế nào. Tuy nhiên, sự lơ đễnh này sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không quan tâm tới công việc mà bạn đang phỏng vấn. Bởi vậy, bạn nên tập trung chú ý vào những gì mà nhà tuyển dụng nói trong cuộc phỏng vấn. Hãy mìm cười và giữ giao tiếp bằng ánh mắt để tránh bị lơ đễnh.
10. Bạn quên nói “cảm ơn”
Người phỏng vấn đã dành thời gian trong thời gian biểu dày đặc của họ để phỏng vấn bạn. Nếu bạn không nói “Cảm ơn” sau khi được phỏng vấn, coi như bạn không đánh giá cao điều đó. Ngược lại, người phỏng vấn sẽ nhớ đến bạn, và cơ hội dành cho bạn sẽ lớn hơn. Bởi thế, sau cuộc phỏng vấn, hãy gửi thư cảm ơn sớm nhất có thể. Nếu bạn được nhiều người phỏng vấn cùng lúc, hãy gửi thư cho từng người một.
Theo Phương Anh/ CareerCast/Dân Trí
0 nhận xét:
Sẻ Chia Yêu Thương
Những tấm gương người tốt việc tốt, những câu chuyện cảm động về tình cảm giữa con người với con người luôn có mặt trong đời sống của mỗi chúng ta. Nếu bạn bắt gặp những câu chuyện ấy, xung quanh mình, hay ngay chính cuộc sống của mình, hãy chia sẻ với Hoa Tâm theo địa chỉ: Hoatam@outlook.com