Các sự vật, hiện tượng hiện hữu trong cuộc đời này đều có một giá trị, một ý nghĩa nhất định. Tất cả chúng đều góp phần tạo nên cuộc sống. Nếu tiếp xúc với mọi vật bằng sự quán chiếu thì chúng ta sẽ “nghe” được những đạo lý từ chính các sự vật ở trong cõi đời này chứ không chỉ ở cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà mới có thể nghe. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp xúc với đất để “lắng nghe” tiếng lòng của đất, và học từ đất nhiều điều bổ ích, giá trị.
Đặc tính đầu tiên đáng để mọi người học tập đó là tính chịu đựng của đất. Dù người ta đổ và rải lên đất những thứ tinh sạch và đẹp đẽ như hoa, nước thơm, sữa thơm; hoặc người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy, hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ; hay thậm chí là người ta khạc nhổ xuống đất thì đất cũng tiếp nhận tất cả những thứ ấy một cách thản nhiên, không vui vẻ, mừng rỡ mà cũng không chán ghét, tủi nhục, không hề có sự phản kháng hay chống đối, cũng chẳng mảy may có sự vướng lụy. Con người sống trong cuộc đời ai cũng gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đường đời không phải lúc nào cũng êm xuôi, không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ để cho chúng ta bước đi. Đôi khi, trong cuộc sống chúng ta gặp phải nhiều chướng ngại, lắm chông gai và thử thách. Có những lúc ta được nhiều người chào đón, ngợi khen và giúp đỡ nhưng cũng có lúc ta bị nhiều người chán ghét, chê bai và tìm đủ mọi cách để hãm hại. Chính vì lẽ đó, nếu mình không có đủ sức chịu đựng và thiếu nghị lực thì khó lòng tồn tại và phát triển, khó đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời. Chúng ta phải học theo hạnh của đất, phải tập chịu đựng, phải làm chủ bản thân mình từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, để rồi dần dần hình thành thói quen biết chịu đựng, biết làm chủ trước mọi khen chê, vinh nhục của cuộc sống.
Nhẫn-thư pháp chữ Hán
Không chỉ có thế, đất còn là điểm tựa cho tất cả các sự vật. Đất đã nâng đỡ tất cả các sự vật. Dù cho là vật gì đi nữa thì đất cũng không loại trừ. Đất đã nâng đỡ cho cỏ cây, hoa lá, đất làm điểm tựa cho sự sống của con người và các loài động vật. Không có sự nâng đỡ của đất thì sự sống không thể nào tồn tại được trên thế gian này. Học theo hạnh nâng đỡ của đất, chúng ta phải cố gắng phấn đấu để hoàn thiện bản thân mình, trước hết là để tự lập và tiếp đến là làm chỗ dựa vật chất cũng như tinh thần cho người khác, gần gũi nhất là những người thân yêu xung quanh mình. Nâng đỡ ở đây cũng chính là giúp đỡ, trợ lực. Làm người sống trong xã hội, chúng ta không thể sống vô tâm, sống vị kỷ mà phải biết hướng tâm nghĩ đến người khác, tìm cách giúp đỡ người khác trong khả năng của mình, đem đến cho người khác niềm an vui, hạnh phúc. Nếu như không thể đem đến cho người khác niềm vui, không giúp đỡ được thì đừng làm cho người ta đau khổ và đừng hãm hại.
Đồng thời với tính chịu đựng và nâng đỡ là khả năng chuyển hóa của đất. Chuyển hóa ở đây có nghĩa là chuyển hóa những thứ mà đất đã tiếp nhận. Những thứ không tốt lành đến với đất, đất đều chuyển hóa chúng dần dần để tạo nên những thứ có ích cho cuộc sống, những thứ đã tốt thì làm cho tốt hơn. Rác rưởi dơ bẩn đến với đất thì được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng để nuôi cây trồng. Những dòng nước bẩn khi thấm vào lòng đất thì được đất chuyển hóa thành dòng nước trong lành, cung cấp cho sự sống của muôn loài trên trái đất. Nhờ khả năng chuyển hóa của đất mà cuộc sống bớt đi những thứ nhơ bẩn, nhiễm ô.
Chính vì đất có những đặc tính như thế cho nên đất trở thành một phần quan trọng của sự sống. Những đặc tính ấy cũng chính là những đặc tính của hạnh nhẫn nhục. Chúng ta cần phải học theo hạnh của đất. Học theo hạnh của đất có nghĩa là chúng ta thực hành hạnh nhẫn nhục.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Đời người có lúc gặp thuận duyên nhưng cũng có lắm khi gặp nghịch cảnh. Chúng ta cần phải giữ cho lòng mình bình lặng trước những ngọt ngào cũng như cay đắng khi chúng đến với mình trong cuộc sống. Khi người khác ca ngợi, cung kính, tôn trọng, thân thiết với mình thì mình không vì thế mà kiêu căng, tự đắc, không vì thế mà hãnh diện. Khi người khác đối xử bất nhã với mình, công kích và nhục mạ mình, mình vẫn không chống đối, không oán hận hay thù ghét. Ngược lại, còn giữ lòng bình thản, sẵn lòng tha thứ, bao dung và thương yêu.
Tuy nhiên, như đất đã tiếp nhận các vật một cách rất tự nhiên, không hề có sự dồn nén hay gượng ép, không có sự phân biệt. Cũng vậy, trước các sự thuận nghịch trong cuộc sống, lòng chúng ta phải bình thản một cách tự nhiên, không bị chi phối bởi một nguyên do nào khác ngoài lòng thương yêu vô bờ bến. Càng không phải là sự bình thản vì nhu nhược, tư lợi, cũng không phải để mưu toan,… Như thế mới là sự nhẫn nhục đích thực, mới thực hành theo hạnh của đất một cách rốt ráo.
Một khi chúng ta thực tập hạnh nhẫn nhục được thuần thục thì lòng thù hận sẽ vắng bóng trong lòng. Chúng ta không còn có sự phân biệt giữa thù với bạn, giữa thân với sơ. Với tất cả mọi người, chúng ta đều tôn trọng, thương yêu và giúp đỡ, đều mong cho tất cả mọi người có được hạnh phúc trong cuộc sống và luôn cố gắng đem hạnh phúc đến cho mọi người, không bao giờ có ý làm tổn hại người khác. Như thế là chúng ta đang thực tập theo tinh thần “đối xử” bình đẳng, không phân biệt của đất vậy.
Và cũng chính sự nhẫn nhục mà mình có thể làm thay đổi tâm niệm và cách nghĩ của người khác từ xấu trở nên tốt, từ tiêu cực thành tích cực. Một người dù có vô tâm đến đâu, tàn nhẫn đến đâu cũng không thể không rung động trước sự bao dung, bình lặng của người khác khi bị họ đối xử tồi tệ. Như thế là nhẫn nhục đã chuyển hóa được người khác, chuyển hóa được mối quan hệ không tốt giữa người với người, làm cho con người không còn thù ghét, oán hận nhau nữa. Trong các truyện tiền thân của Đức Phật, có một truyện kể về tiền thân Phật làm một vị tiên nhơn đạo hạnh. Vị tiên nhơn ấy ẩn cư ở trong rừng. Một hôm, vua cùng quần thần và các cung nữ vào khu rừng mà vị tiên nhơn đang ẩn tu để săn bắn. Trong lúc vua và quần thần, quân lính đi săn, các cung nữ ở lại vui chơi nơi bìa rừng và thấy vị tiên nhơn đang tọa thiền dưới gốc cây. Thế là các cung nữ đến gặp vị tiên nhơn để hỏi đạo. Khi vua và quần thần quay trở lại bìa rừng thì không thấy đám cung nữ đâu cả, tìm một lúc mới thấy các cung nữ đang ngồi vây quanh vị tiên nhơn. Thấy vậy, vua đùng đùng nổi giận và ra lệnh hành xử vị tiên nhơn cho hả giận. Càng hành hình vua càng thấy làm lạ vì vị tiên nhơn ấy không hề biểu hiện một tí nào giận giữ hay đớn đau, đã không oán hận đức vua mà vị tiên nhơn còn nói lên những lời từ ái, giảng giải đạo lý cho đức vua nghe…
Nhẫn nhục đem lại lợi ích lớn cho tự thân, gia đình và xã hội. Nhẫn nhục giúp con người giữ được tâm an tịnh trước những chuyện thị phi, trước nghịch cảnh cũng như trước những cám dỗ trong cuộc sống. Nhẫn nhục làm giảm sự hận thù, thiết lập lại mối giao hữu tốt đẹp giữa người với người. Người có lòng nhẫn nhục thì luôn cung kính, thương yêu mọi người, có khả năng đem lại hạnh phúc cho người khác. Sống mà không có nhẫn nhục thì sẽ không thể nào có được an vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Chính Đức Phật cũng đã ca ngợi về lợi ích của nhẫn nhục như sau:
“Nhẫn là duyên trợ đạo tốt nhất
Nhẫn là thuyền bè vượt sông biển
Nhẫn là thuốc trị bệnh cứu mạng
Tu hành chánh giác, vượt qua ba cõi,…
Cũng nhờ hạnh nhẫn nhục”.
Quả thật, nhẫn nhục có công năng rất lớn. Trong cuộc sống, ai cũng muốn mình trở thành một người tốt, một người có ích cho xã hội, muốn xây dựng cho mình một đời sống có ý nghĩa. Để được như thế thì cần phải học theo hạnh của đất, thực hành hạnh nhẫn nhục trong đời sống hàng ngày. Lúc nào thấy lòng mình “dậy sóng” thì hãy nhìn xuống đất, nhớ đến hạnh của đất để rồi tự đánh thức mình.
Minh Nguyên
0 nhận xét:
Sẻ Chia Yêu Thương
Những tấm gương người tốt việc tốt, những câu chuyện cảm động về tình cảm giữa con người với con người luôn có mặt trong đời sống của mỗi chúng ta. Nếu bạn bắt gặp những câu chuyện ấy, xung quanh mình, hay ngay chính cuộc sống của mình, hãy chia sẻ với Hoa Tâm theo địa chỉ: Hoatam@outlook.com