June 22, 2013

Tìm về Thánh Tích Kushinagar (Câu-Thi-Na)

Gần 50 năm thuyết pháp độ sanh, đức Thế Tôn đã đem ánh sáng giác ngộ hướng đạo quần sanh, đưa những người hữu duyên đến bến bờ giải thoát. Vào năm cuối cùng của cuộc đời vĩ đại ấy, tại điện thờ Capala, thành Vaishali (Tỳ-xá-ly), đức Phật đã tuyên bố với Anan cùng đại chúng Tỳ kheo ba tháng sau sẽ nhập Niết-bàn tại rừng cây Ta La thuộc thành Kushinagar (Câu-thi-na).



Khu thánh tích Kushinagar (Câu-thi-na) – nơi đức Phật nhập Niết bàn


Nơi đức Phật nhập Niết Bàn, Kushinagar đã trở thành một trong bốn thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo (Lumbini, Bodhgaya, Sarnath và Kushinagar). Khi hành hương, chiêm bái bốn thánh tích (Tứ động tâm) trên miền đất Phật thiêng liêng, có lẽ Kushinagar là thánh tích để lại trong người hành hương những ấn tượng bùi ngùi và xúc động nhất. Nếu như Lumbini (Lâm-tỳ-ni), nơi nhơn thiên và muôn vật hoan ca chào đón sự đản sanh của đấng Từ phụ, thì Kushinagar (Câu-thi-na) là nơi trời người và muôn vật rơi lệ u buồn, tiễn biệt đấng Thiên nhơn sư. Nếu Bodhgaya (Bồ-đề-đạo-tràng) là đạo tràng thiêng liêng, nơi bừng tỏa ánh sáng giác ngộ của đức Phật Thích Ca, thì Kushinagar là nơi ánh đạo huy hoàng của Ngài đã tắt lịm. Nếu Sarnath (vườn Lộc Uyển) là thánh tích thiêng liêng, nơi khơi nguồn của dòng pháp giải thoát, thì Kushinagar là nơi khô cạn chấm dứt suối nguồn giải thoát đang tuôn chảy từ kim khẩu của bậc Đạo sư. Bởi vậy, những người con Phật chúng ta, mấy ai tránh khỏi cảm giác xúc động, u buồn khi chiêm bái, đảnh lễ thánh tích này.

Thánh tích Kushinagar tọa lạc tại thành Kushinagar, còn có tên gọi Kusinagari hay Kusigràma là một trong hai kinh đô của bộ tộc Mallas (Mạt La). Thời cổ tiểu quốc này được chia làm hai khu vực tự trị và đóng đô tại hai thị trấn riêng biệt là Kusinàra và Pàvà. Ngày nay, Kushinagar thuộc tiểu bang Utta Pradhesh, cách ga xe lửa quận Gorakhpur khoảng 50 km. Nhìn vào bản đồ Ấn Độ, chúng ta có thể xác định vị trí của Kushinagar tọa lạc gần như trung tâm của những thánh tích khác như: Lumbini (Lâm-tỳ-ni thuộc nước Nepal), Vaishali (Tỳ-xá-li), Sarnath (vườn Lộc-uyễn), v.v… Căn cứ theo đường chim bay, Kushinagar cách cách Lumbini khoảng 100 km, cách Vaishali khoảng 150 km, cách Sarnath khoảng 200 km và cách Bodhgaya khoảng 300 km.

Thành Kushinagar, từ thời đức Phật cho đến hàng chục thế kỉ về sau, vẫn là một nơi xa xôi, hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Kushinagar không có những vương thành lộng lẫy, những trung tâm thương mại, phố xá phồn hoa như thành Savatthi (Xá-vệ), thành Rajagaha (Vương-xá), thành Baranasi (Ba-la-nại)… Tuy nhiên, vào thời quá khứ xa xưa, Kushinagar là một vương thành giàu sang cùng tột, dân cư đông đúc, nhưng trải qua sự tàn phá của thời gian, của vô thường hủy diệt, đến thời của đức Phật Thích Ca cũng như nhiều thế kỷ về sau, thành Kushinagar chỉ là những rừng cây Ta La xa vắng, dân cư thưa thớt… điều đó chúng ta có thể biết được qua câu chuyện đối thoại giữa đức Phật và tôn giả Anan: Khi nghe đức Phật tuyên bố ba tháng sau sẽ nhập Niết-bàn tại thành Kushinagar, tôn giả Anan đã vội thỉnh đức Phật trụ thế: “Bạch Thế Tôn, còn có những thành lớn khác. Một là Chiêm-bà, hai là Xá-vệ, ba là Bệ-xá-ly, bốn là Vương xá, năm là Ba-la-nại, sáu là Ca-tỳ-la-vệ. Sao Thế Tôn không nhập Niết-bàn ở các nơi ấy, mà quyết định tại thành bằng đất nhỏ hẹp này, một thành nhỏ hẹp nhất trong các thành? Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo: Này A-nan, ngươi chớ nói rằng đây là thành đất nhỏ hẹp, là thành nhỏ nhất trong các thành. Vì sao? Vì thuở quá khứ, thành Câu-thi-na này tên là Câu-thi vương thành, giàu có cùng tột, dân chúng đông đúc.

Một góc Thành Kushinagar (Vương Xá) ngày nay

Đường vào khu thánh tích Kushinagar (Cau-thi-na)

Như vậy, trong thời quá khứ xa xưa Kushinagar là một vương thành phồn hoa, dân cư đông đúc và lúc đức Phật nhập Niết-bàn thì thành này chỉ là một thành nhỏ hoang vắng, dân cư thưa thớt, với những cánh rừng Ta La xanh ngát.

Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, kim thân của Ngài được hoả tang theo nghi thức tang lễ của một vị Chuyển luân Thánh vương. Sau lễ hoả táng, để tránh sự xung đột tranh giành xá lợi của đức Phật, bộ tộc Malla tại Kushinagar đã đồng ý chia xá lợi Ngài làm tám phần đều nhau cho tám vị quốc vương trong tám nước xây tháp cúng dường. Bộ tộc Malla cũng xây một bảo tháp tại nơi lễ Trà tỳ của đức Phật để phụng thờ tro than lúc hoả táng còn lại. Ngôi Tháp này hiện nay vẫn còn.

Đến với thánh tích Kushinagar, ngày nay, chúng ta sẽ được chiêm bái hai nơi thiêng liêng nhất: nơi đức Phật nhập Niết-bàn (gồm tháp Niết-bàn, chùa Niết-bàn…) và nơi diễn ra lễ Trà tỳ kim thân của đức Thế Tôn.
Nơi đức Phật nhập Niết-bàn: Các sử liệu về Kushinagar chưa xác định rõ sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, nơi đức Phật nhập Niết-bàn có những gì. Ngôi tháp Niết Bàn, chùa Niết Bàn và những phế tích còn lại mà chúng ta thấy ngày nay được các nhà khảo cổ xác định xây dựng từ thời vua Asoka (vua A Dục, thế kỉ thứ 3 trước Tây lịch) trở về sau.

Tháp Niết Bàn (Mahaparinirvana Stupa):

Ngôi tháp Niết Bàn to lớn mà chúng ta thấy hiện nay có chiều cao khoảng 45 mét, đường kính khoảng 10 mét. Đấy là một ngôi tháp có màu trắng, xây kín xung quanh, không có cửa ra vào. Tháp được xây trên một nền gạch cao khoảng 2,7 mét; tháp có hình tròn trụ, với mái hình vòm tròn, phía trên vòm tròn ấy được xây một khối hình trụ nhọn dần lên tận đỉnh, hình trụ ấy gồm ba tầng, cao khoảng 5,5 mét.



Tháp Niết Bàn nằm phía trước chùa Niết bàn

Tác giả bên Tháp Niết Bàn tại Kushinagar 

Nguyên thuỷ ngôi bảo tháp này được các nhà khảo cổ cho rằng, nó được xây dựng bởi vua Asoka vào thế kỉ thứ 3 trước Tây lịch. Vua Asoka, sau khi từ bỏ đời sống một bạo chúa hung tàn, ông đã quay về với Phật giáo và dùng chánh pháp để trị dân. Để cho dân chúng toàn cõi Ấn Độ được thấm nhuần công đức, vua Asoka đã thu thập xá lợi của đức Phật trong tám ngôi tháp của tám vị quốc vương thời xưa, chia đều ra tám vạn bốn ngàn phần và xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp trên toàn cõi Ấn để dân chúng được chiêm bái, cúng dường, tăng trưởng công đức. Bảo tháp Niết Bàn là một trong những ngôi tháp ấy.

Tháp Niết Bàn được xây tại thánh tích này để tôn thờ xá lợi của đức Phật, đồng thời để kỉ niệm nơi đức Phật đã xả bỏ báo thân sanh diệt, an trú vào Niết-bàn bất diệt. Gần mười thế kỉ trôi qua kể từ thời vua Asoka, đến thế kỉ thứ bảy, ngài Huyền Trang đến chiêm bái thánh tích này thì bảo tháp Niết Bàn vẫn còn và ngài đã ghi chép trong cuốn kí sự của mình: “Về phía tây bắc của thành này khoảng 3 đến bốn dặm, băng qua dòng sông Ajitavati (A-tỳ-ba-phạt-để), không xa về phía tây của bờ sông này, chúng ta đến một rừng cây Ta La. Cây Ta La giống như cây Huk, vỏ cây màu trắng xanh, lá cây lóng lánh và trơn dịu. Chổ này có bốn cây thật cao, đây là nơi đức Như Lai đã nhập Niết-bàn, tại đây có tinh xá bằng gạch rất lớn. Trong tinh xá này có một tượng đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài nằm quay đầu về hướng bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá này là bảo tháp do vua Asoka xây dựng, mặc dù đã hư sụp, nhưng cũng còn cao gần 60 mét (200 feet)…”

Lịch sử văn hoá thế giới nói chung hay của Phật giáo nói riêng luôn có những trang sử bi thương về sự tàn phá kinh khiếp của giặc Hồi cực đoan và tàn ác. Vào những thế kỉ 12, 13, các thánh tích Phật giáo bị giặc Hồi đố kị và đốt phá hoang tàn, nơi đức Phật Niết-bàn cũng như bảo tháp Niết Bàn đã bị thiêu rụi và đập phá, trở thành những đống gạch đổ nát, hoang tàn. Thánh tích Kushinagar nói chung và bảo tháp Niết Bàn nói riêng hầu như đã bị lãng quên không người nhắc đến. Gần 600 năm sau, thế kỉ 19, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh tên là Cunningham, người có công lớn trong cuộc khảo cổ và hồi phục lại các thánh tích Phật giáo để giới thiệu mọi người trên thế giới. Ông đã căn cứ vào cuốn Đại Đường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang và tiến hành khảo cổ các thánh tích thiêng liêng của Phật giáo. Một công việc rất khó khăn và vất vả, ông đã huy động những người cộng sự của mình âm thầm làm việc giống như một vị Bồ-tát vô danh trong công cuộc đóng góp xây dựng vào sự phục sinh của Phật giáo tại Ấn Độ. Dưới sự hổ trợ đắc lực của người phụ tá của ông, nhà khảo cổ Carllleyle, các di tích tại nơi đức Phật nhập Niết-bàn gồm các nền tháp, chùa viện, tượng Phật… đã được phát hiện và bảo vệ cẩn thận. Với sự phát hiện khám phá đầy ý nghĩa ấy, nền tháp Niết Bàn đã được xác định. Đến năm 1927, với sự đồng ý của chính phủ Ấn Độ, cộng đồng Phật tử Mianma đã phát tâm kiến tạo ngôi tháp Niết Bàn ngay trên nền móng cũ của bảo tháp do vua Asoka xây dựng ngày xưa. Gần 50 năm sau, vào năm 1972, các Phật tử Mianma lại phát tâm trùng tu bảo tháp này một lần nữa, và đấy chính là bảo tháp Niết Bàn hùng vĩ mà chúng ta thấy ngày nay.

Chùa Niết Bàn (Mahaparinirvana temple):

Bước vào thánh tích Kushinagar nơi đức Phật nhập Niết-bàn, hình ảnh to lớn đầu tiên chúng ta diện kiến được là tháp đại Niết Bàn, kế đó là chùa Niết Bàn. Chùa Niết Bàn mà ta thấy ngày nay được xây lại trên nền bảo tháp Niết Bàn xưa kia. Chùa Niết Bàn có một kiến trúc rất riêng so với các loại kiến trúc chùa tháp khác mà chúng ta từng thấy. Ngôi chùa chiều cao khoảng 45 mét, đường kính khoảng 10 mét, mái chùa là một hình cong nhọn lên ở giữa, từ xa nhìn đến giống như một hình lăng trụ to lớn, có bốn cửa sổ hình tròn cao lớn gần trên mái trông ra bốn hướng. Trước hành lang chùa có bốn trụ cột sơn màu đỏ rất lớn, chùa được xây dựng để thờ tượng Phật nhập Niết-bàn.

Xin nói thêm về nguyên thuỷ của ngôi chùa được xây vào thời điểm nào. Vào thế kỉ thứ 7, ngài Huyền Trang đến chiêm bái Kushinagar đã đề cập trong Đại đường Tây vực ký như sau: “Chổ này có bốn cây (Ta La) thật cao, đây là nơi đức Như Lai đã nhập Niết-bàn, tại đây có tinh xá bằng gạch rất lớn. Trong tinh xá này có một tượng đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài nằm quay đầu về hướng bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá này là bảo tháp do vua Asoka xây dựng, mặc dù đã hư sụp, nhưng cũng còn cao gần 60 mét (200 feet). Phía trước tinh xá là một trụ đá ghi chép về sự Niết-bàn của đức Như Lai. Mặc dù các ghi chép vẫn còn, nhưng không thấy đề cập ngày, tháng hay năm…”

Ngôi tinh xá ngài Huyền Trang mô tả chính là ngôi chùa Niết Bàn. Ngôi chùa ấy đã đốt cháy và đập phá hoang tàn vào thế kỉ 12, 13 bởi những đội quân hung tà Hồi giáo đến từ Trung đông. Mãi đến năm 1876, trợ lý của ngài Cunningham, nhà khảo cổ Carlleyle đã xác định nền móng của ngôi chùa Niết Bàn ngày xưa, và đến năm 1956 ngôi chùa Niết Bàn đã được trùng kiến lại, đó chính là ngôi chùa Niết Bàn mà ta thấy ngày nay.

Tượng đức Phật nhập Niết Bàn: một trong những bảo vật ý nghĩa nhất tại thánh tích này là tượng đức Phật nhập Niết Bàn. Trong ngôi chùa Niết Bàn chỉ thờ duy nhất pho tượng này. Đây là một trong những kiệt tác về nghệ thuật tranh tượng Phật giáo vào thời đại Kumargupta (413-455), một triều đại đã đến đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác tranh tượng Phật giáo. Trong triều đại này, có nhà điêu khắc Haribhada đã tạc pho tượng này từ một khối đá lớn có tên là Chunar. Pho tượng có chiều dài khoảng 6 mét, được đặt trên một bệ đá hình chữ nhật cao khoảng nửa mét và tôn thờ trong chùa Niết Bàn. Tượng nằm nghiên bên hữu, đầu tượng hướng về phương bắc và gối lên tay phải, mặt tượng hướng ra cửa chánh nam, tay trái đặt xuôi trên hông, hai chân song song chồng lên nhau. Pho tượng đã thể hiện đầy đủ các tướng hảo và vẻ đẹp của một đấng Thế Tôn.

Một điều đáng buồn là pho tượng đã bị đập gảy làm nhiều phần. Trong lúc khảo cổ khai quật từ đống gạch đổ nát của tháp và chùa Niết Bàn, Cunningham và các cộng sự của mình đã phát hiện pho tượng này vào năm 1876, đoàn khảo cổ của ông cũng phát hiện những bộ hài cốt phủ phục trên pho tượng này, đây rất có thể là những vị Tăng sĩ đã lấy thân mình bảo vệ thánh tượng, không cho những kẻ cuồng tín đập phá tôn tượng. Ngày nay, pho tượng đã được ráp lại và thờ đúng vị trí ngày xưa; dù bị đập gảy nhiều phần, nhưng thánh tượng đã được hồi phục lại và trở thành một trong những bảo vật thiêng liêng tại thánh tích Kushinagar.

Nơi trà tỳ kim thân của đức Phật: Rời khuôn viên đức Phật nhập Niết-bàn, đi bộ gần 2 km, chúng ta đến một hoa viên xinh đẹp khác, đó là nơi diễn ra lễ Trà tỳ kim thân của đức Thế Tôn. Ngày xưa, nơi đức Phật nhập Niết-bàn và nơi trà tỳ kim thân đức Phật là một, đều thuộc thánh tích Kushinagar, nhưng vì khu vực này quá rộng, nên ngày nay được chia ra làm hai khu vực để chăm sóc và bảo vệ tốt hơn.

Tháp Trà Tỳ (Angrachaya Stupa):

Tại khuôn viên diễn ra lễ Trà tỳ của đức Phật có một ngôi tháp thật lớn, hình dạng đặc biệt trông giống như một ngôi mộ cổ vĩ đại. Tháp có chiều cao khoảng hơn 8 mét, đường kính của tháp đến 34 mét. Niên đại của ngôi tháp chưa được xác định chính xác. Đây được coi là một trong những chốn thánh địa linh thiêng nhất đối với Tăng Ni và Phật tử trên toàn thế giới. Ngọn lửa thiêng trà tỳ đức Phật được hàng trăm triệu tín đồ tôn kính suốt mấy ngàn năm qua, là một hình ảnh anh minh bất tử, nó luôn gợi lên muôn vàng cảm xúc kính yêu.


Khuôn viên tháp Trà tỳ


Đoàn người hành hương nhiễu quanh tháp Trà tỳ

Pháp sư Huyền Trang đã từng đến viếng nơi đây vào năm 627 Tây lịch đã niêu tả rất rõ ngôi tháp này trong tập sách “Đại đường tây vực ký”: “Về phía bắc của thành này, sau khi băng qua dòng sông Ajitavati (A-tỳ-ba-phạt-để), và đi khoảng hơn 300 bước, có một bảo tháp. Đây là nơi trà tỳ kim thân của đức Như Lai. Đất chổ này trộn lẫn giữa đất và than, có màu vàng đen. Bất cứ người nào với lòng chí thành nguyện cầu và tìm ở đây, chắc chắn sẽ tìm thấy một vài xá lợi của đức Như Lai.” 
Xung quanh bảo tháp Trà tỳ có nhiều tháp nhỏ và nền móng các tháp, tinh xá, tự viện… hầu hết các tháp và tinh xá này được xây dựng từ thế kỉ thứ nhất trở về sau. Toàn bộ khu vực này được trồng những thảm cỏ xanh, những cây cối và hoa kiểng rất đẹp. Nhưng hoa cỏ hình như cũng úa tàn khi tâm trạng chúng ta luôn cảm thấy u buồn vì sự từ giả của một đấng Thế Tôn.

Với trái tim thổn thức bởi nỗi đau của nhân loại, với trí tuệ siêu việt của một thánh nhân, với ý chí phi thường của một người anh hùng, vị Thái tử Sidatta đã anh dung ra đi tìm con đường giải thoát, và rồi đoạn đường mà ngài đã từng đi qua đã kết thúc tại Kushinagar này.

Hơn 25 thế kỷ đã trôi qua, bước thăng trầm của Phật giáo cũng theo dòng thịnh suy của thế gian biến chuyển không ngừng; Tứ Động Tâm của Phật giáo có những lúc huy hoàng đón nhận sự qui ngưỡng của những bậc đế vương và toàn thể thần dân Ấn Độ, cũng có những lúc suy tàn, rồi bị chôn vùi vào cát bụi lãng quên. Ngày nay, với sự phát triển về thông tin, về phương tiện đi lại, về kinh tế, kỹ thuật… đời sống của con người nói chung hay của người Phật tử nói riêng cũng được nâng cao, nhờ thế những sự trợ duyên ủng hộ Phật giáo cũng được phát triển. Tứ Động Tâm của Phật giáo nói chung hay thánh tích Kushinagar nói riêng đã thật sự chuyển mình thức dậy sau giấc ngủ ngàn thu. Có lẽ hơn lúc nào hết, ngày nay, Tứ Động Tâm đã mở lòng đón nhận hang ngàn, hàng triệu người con Phật khắp nơi trên thế giới trở về chiêm bái, tu tập, đó là một trong những phước duyên tối thượng để tăng trưởng phước đức ngay giữa cuộc đời ác trược đầy biến động này.

Theo Du Lịch Tâm Linh

0 nhận xét:

Sẻ Chia Yêu Thương

Những tấm gương người tốt việc tốt, những câu chuyện cảm động về tình cảm giữa con người với con người luôn có mặt trong đời sống của mỗi chúng ta. Nếu bạn bắt gặp những câu chuyện ấy, xung quanh mình, hay ngay chính cuộc sống của mình, hãy chia sẻ với Hoa Tâm theo địa chỉ: Hoatam@outlook.com

Technology