Những nẻo đường gió bụi cứ mãi dài ra, những thế kỷ xa mờ cứ hiện dần trên các lối vắng mà Đức Phật để lại bao dấu tích phong trần trên bước đường đi tìm sự giải thoát cho nhân loại. Một trong số đó là thành Ca Tỳ La Vệ thiêng liêng – quê hương của bậc giác ngộ.
Rời Lâm Tỳ Ni, chúng tôi đi lên phía Bắc để tìm về quê hương của Đức Phật – thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilvastu) nằm tại vùng Tilaurakot, thuộc biên giới Ấn Độ và Nepal, cách Lâm Tỳ Ni khoảng 27 km. Trên con đường gập ghềnh đầy nắng gió và bụi đường, lòng tôi cứ ngóng trông để mau diện kiến và chiêm bái cổ thành lịch sử mà tôi chỉ biết qua trong phim ảnh, sách vở nhà Phật.
Con đường vào cố đô Ca Tỳ La Vệ
Một cảnh tượng hết sức thú vị đang diễn ra trước mắt chúng tôi khi chiếc xe buýt chạy qua một buôn làng, nơi ấy người ta đang reo hò mừng ngày lễ tạ điền của dân bản xứ, trên đường phố đông người qua lại. Người lái xe cho biết, chưa bao giờ vùng này có nhiều phụ nữ ngoài đường như thế! Những tà sari muôn màu rực rỡ bay phất phới như cánh bướm vờn hoa. Những nam thanh nữ tú cùng người lớn và trẻ em, đều đổ cả ra đường vui chơi ca hát hay đúng hơn ra đồng để tạ ơn ruộng đã cho họ một mùa đầy lợi tức.
Tuy ở chốn biên thùy nhưng vì là đồng bằng nên dân cư nơi này khá đông đúc. Dân chúng quanh vùng sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và canh tác các loại nông sản. Cảnh vật thanh bình mang lại cảm giác lâng lâng nhẹ nhõm như sự sửa soạn trước khi đến quê hương của Đức Phật.
Đoạn đường từ Lâm Tỳ Ni đến Ca Tỳ La Vệ chỉ cách nhau khoảng 27 km nhưng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ xe mới đưa chúng tôi đến một nơi mà mình hằng mong đợi. Từ chỗ xe đậu, chúng tôi phải đi bộ thêm vài phút băng qua một làng quê giống như những làng mạc ở miền Tây Nam Bộ. Có những rặng tre gai đong đưa trong gió rì rào, có những chú trâu nằm gác mõm trên thành chuồng đưa đôi mắt với hàng mi dài, ngơ ngác nhìn khách bộ hành. Có cả sếu đầu đỏ nhởn nhơ bên cạnh con người. Mảnh đất này đúng là thiên đường của động vật hoang dã, con người quá từ bi, quá hiền lành và quá yêu súc vật.
Những bước chân đầu tiên tiến vào khuôn viên cổ thành Ca Tỳ La Vệ, trước mắt chúng tôi là những phế tích ngổn ngang với hàng trăm ngàn viên gạch đã rêu phong và bào mòn theo năm tháng. Nhìn đống gạch đổ nát ấy, quanh tôi như văng vẳng những câu hát của các em trong gia đình Phật tử hát về kinh thành của thái tử Sĩ Đạt Ta, mà hình ảnh đó chỉ còn trong thơ và nhạc. Cảnh tiêu sơ làm chạnh lòng khách viễn phương. Dù vậy, vài hàng gạch trải dài theo bờ kẽm gai sét rỉ, những tàng cây sum suê với hoa màu lửa… cũng làm vơi đi sự hoang tàn.
———————————————–
Nhìn đống gạch đổ nát ấy, quanh tôi như văng vẳng những câu hát của các em trong gia đình Phật tử hát về kinh thành của thái tử Sĩ Đạt Ta, mà nay hình ảnh đó chỉ còn trong thơ và nhạc.
———————————————
Chạm tay vào những viên gạch trong khuôn viên Ca Tỳ La Vệ, tôi như cảm thấy những thế kỷ xa mờ đang hiện về. Thật vậy, Ca Tỳ La Vệ thực sự là một điểm đến quan trọng, là một trong những thánh địa liên quan đến một con người vĩ đại cách đây hơn 2.500 năm. Thứ nhất về khoảng cách thì nó cách Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sinh khoảng 27km, thứ 2 đây là nơi mà Đức Phật đã sống 29 năm đầu tiên trong cuộc đời của mình, thứ 3 là nơi mà ông tiên A-tư-đà đã ngồi thiền định để xem tướng cho thái tử Sĩ Đạt Ta, thứ 4 là nơi mà 500 người trong dòng họ Thích Ca đã xin quy y thọ giới với Đức Phật và cuối cùng đây cũng chính là nơi chư thiên đã đi xuống cầu Phật nghe pháp.
Về lịch sử, vào năm 636, Ngài Huyền Trang đã đến thăm viếng ngôi thành cổ này và diễn tả một cách chi tiết trong Đại Đường Tây Vực ký: “Thành Ca Tỳ La Vệ kiến trúc theo lối cổ kính, xây dựng toàn bằng gạch đá quý, bức tường thành vẫn còn, và kiến tạo rất kiên cố. Hiện tại chỉ còn 634 phố, nhà lơ thơ và một ít dân chúng đang sống ở đó. Chung quanh có độ 100 tịnh xá bị hư hỏng. Gần chỗ này có một ngôi tịnh xá vĩ đại, 30 tu sĩ tiểu thừa và hai ngôi đền của Bà La Môn giáo”.
Như vậy, kinh thành Ca Tỳ La Vệ tuy không phải là một vương quốc lớn nhưng cũng vô cùng trù phú. Tương truyền rằng, khi xưa Ca Tỳ La Vệ là một khu rừng hoang, khi đó một vị thánh giả Kapil Gautama (tạm dịch: Ca Tỳ Cồ Đàm) đã khuyên thái tử Ikshwaku đến đó để lập nghiệp. Thái tử được mọi người biết qua tên Sakya đã nghiễm nhiên trở thành Sakya Gautama và đặt tên cho vương quốc của mình là Kapilvastu (Ca Tỳ La Vệ). Thái tử Sĩ Đạt Ta đã xuất thân chính từ dòng dõi này. Thái tử đã sinh ra và lớn lên trong nhung gấm lụa là, trong tình yêu thương tuyệt đối của hoàng thân quốc thích, tràn ngập niềm hạnh phúc với vợ đẹp con xinh, sự kính trọng nể vì của toàn bộ tộc Thích Ca (Sakyā), sự hy vọng và ngưỡng mộ của toàn dân kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Để rồi, từ trải nghiệm và chứng kiến những thái cực của cuộc đời, nghèo giàu, khổ đau và hạnh phúc, sự sống mong manh, cái chết vô thường… đã dẫn đến cuộc ra đi vĩ đại, cuộc ra đi vô tiền khoáng hậu, cuộc ra đi làm nên trang sử vàng, chính là sự có mặt của đạo Phật cứu khổ ban vui, vì lợi ích cho vạn loại hữu tình trên hành tinh này.
Một kinh thành chứa đầy kỷ niệm, một kinh thành không thể tách rời Phật giáo, một kinh thành không chỉ là quê hương Đức Phật mà còn là quê hương của bao người con Phật. Càng hình dung trong trí tưởng tượng cho sự huy hoàng tráng lệ của một kinh thành cổ xưa, lòng tôi cảm thấy xót xa, buồn thảm, khi một lần dừng chân nơi này! Giờ đây, trước mắt chúng tôi chỉ là một phế tích: những bức tường dài ngang dọc đổ nát rêu phong, những bụi cây hoang dại mọc um tùm, bao hầm hố gò đống trên lối đi mà không một bàn tay chăm sóc… Phía Tây chỉ còn sót lại nền gạch cũ cùng với tấm bảng xác định vị trí của các nhà khảo cổ. Đối mặt sau của cổng thành phía Tây khoảng hơn một cây số là cửa thành Đông, nơi mà nửa đêm rạng ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, thái tử Sĩ Đạt Ta đã âm thầm rời bỏ kinh thành đi tìm đạo giải thoát. Bên ngoài cổng thành Đông là cánh đồng phì nhiêu, mọi người cùng với trâu bò làm việc trong nắng ấm thanh bình. Xa xa cách cổng thành Đông khoảng 200 m, có một cái tháp nhỏ, tương truyền rằng, nơi đó chính là chỗ mà con tuấn mã Kiền Trắc đã đứng và chết tại đó sau khi từ giã thái tử trở về lại kinh thành.
Ngài Pháp Hiển đến chiêm bái thành Ca Tỳ La Vệ vào năm 403 sau Tây lịch, đã nhìn thấy toàn vùng này là một rừng hoang cỏ dại, dân cư thưa thớt, và những di tích phế tàn. Một vài tu sĩ khổ hạnh tu tập tại đây và độ 30 gia đình dân chúng đang sinh sống. Ngài đến hỏi thăm các vị tu sĩ về thánh tích này, các vị ấy cho biết toàn vùng này chính là thành Ca Tỳ La Vệ thời xưa, và họ cố ở lại đây để giữ gìn thánh tích này, nhưng không đủ phương tiện phục hưng, đành phải ngắm nhìn nó dưới sự tàn phá của thời gian.
Có nhiều sử liệu ghi lại về sự suy tàn của kinh thành lịch sử này, trong đó có câu chuyện liên quan đến dòng họ Thích. Tương truyền vào thời Đức Phật, vua dòng Ikshvaku tên Prasanjit (Ba Tư Nặc) vì muốn bang giao với dòng họ Thích nên đã cho người đến để cầu hôn. Ngược lại, dòng họ Thích lại cho rằng vua Ba Tư Nặc không phải thuộc dòng Sát Đế Lợi nên không muốn gả công chúa, nhưng vì khiếp phục nước Kosala là một cường quốc nên đã cho Vasbhaktiya, một thị nữ, cải trang làm công chúa về với vua Ba Tư Nặc. Vua Ba Tư Nặc đã phong nàng làm hoàng hậu và không lâu sau Đông cung thái tử Tỳ Lưu Ly được sanh ra. Khi Thái tử Tỳ Lưu Ly trưởng thành và muốn về thăm quê ngoại, bà Vasbhaktiya hết sức cản ngăn, nhưng chàng nhất định đi. Thái tử Tỳ Lưu Ly cũng được tiếp đón theo thể chế của một quốc khách và được cho ngụ tại sứ quán. Khi thái tử ra về thì sứ quán được rửa bằng sữa tươi. Một người hầu của thái tử vì bỏ quên đồ và trở lại sứ quán đã chứng kiến cảnh này về thuật lại cho thái tử. Chàng ta vô cùng tức giận và nguyền rằng không phải chỉ rửa sứ quán mà sẽ rửa cả Ca Tỳ La Vệ bằng máu.
Sau đó chàng đã âm mưu tước ngôi vua nhân dịp nhà vua đi thăm Đức Phật để nghe giảng pháp. Khi vua hay tin này đã phải chạy đi Ma Kiệt Đà để lánh nạn nhưng không may giữa đường băng hà. Thái tử Tỳ Lưu Ly đã ba lần mang quân đi đánh Ca Tỳ La Vệ nhưng hai lần đầu đều bị Đức Phật ngăn cản. Trong lần thứ ba thì chàng đã thành công. Thành Ca Tỳ La Vệ đã rửa bằng máu của dòng họ Thích, chỉ một số ít là thoát chạy đi đến vùng Kathmandu. Ngài Huyền Trang ghi rằng số tử vong lên đến 9.990, cho đến đứa trẻ sơ sinh cũng không thoát khỏi lưỡi gươm quái ác kia.
Từ đó Ca Tỳ La Vệ đã trở thành một nơi hoang dã, dầu vậy vẫn có một số người vì cảm nhớ ân giáo dưỡng của Đức Phật đã đến đó xây đền kỷ niệm. Tuy nhiên không một di tích lịch sử liên quan đến cuộc đời của Đức Phật nào hoang tàn như nơi đây. Có lẽ phải vài mươi năm nữa, Ca Tỳ La Vệ mới trở thành một trung tâm chiêm bái. Dầu vậy, những học giả chiêm bái thời xưa đã không ngại gian lao tìm đến nơi này và giữ lại những kỷ niệm qua nét bút nên chúng ta mới có cơ hội tìm về vết xưa và xin hãy đứng yên nơi đây cho dòng tư tưởng dõi theo những ký sự xa xưa.
Cũng trong khuôn viên cố thành Ca Tỳ La Vệ, chúng tôi lần theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương để đến tham quan một số phế tích còn sót lại được xem là tối quan trọng đối với Phật giáo như: ngôi mộ của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, vườn Nigrodha thuộc làng Kudan, Sagarhava – nơi dòng tộc Thích Ca bị vua Tỳ Lưu Ly sát hại…
Từ cửa thành Đông, lần theo lối mòn hướng về phương Bắc khoảng 2 cây số chúng ta thấy có hai nền gạch, một lớn một nhỏ nằm trong khu đất trũng dưới mặt đường khoảng 3m. Chúng ta không thể ngờ rằng, hai ngôi mộ được cho là của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Da (Māyā) vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, mặc dù điều này vẫn đang được nghiên cứu chứng minh về sự thật. Người dân cho biết rằng, ngôi mộ lớn là của vua Tịnh Phạn và ngôi mộ nhỏ là của hoàng hậu Ma Da.
Cách Tilaurakot khoảng 1 km về hướng Tây Nam là vườn cây Nigrodha thuộc làng Kudan, nơi vua Tịnh Phạn hội ngộ với Đức Phật sau 13 năm trời xa cách với biết bao thương nhớ và hy vọng mà phụ hoàng đã dành cho thái tử. Vì vậy, đức vua đã yêu cầu Phật, sau này bất cứ ai muốn trở thành sa môn thì phải được sự chấp thuận của cha mẹ, nếu họ còn sống. Đức Phật chấp nhận lời đề nghị của vua cha. Tại nơi đây, vua Tịnh Phạn đã sắc lệnh cho xây dựng ngôi tịnh xá tên là Nigrodhamma làm nơi tu hành của Đức Phật và cháu đích tôn La Hầu La (Rāhula) khi trở về thăm bổn quốc. Tại ngôi tịnh xá này, Đức Phật đã trải qua 15 mùa an cư và thuyết một số bài kinh tiêu biểu như: Tiểu Kinh Khổ Uẩn (số 14), Kinh Mật Hoàn (số 18) … thuộc Trung Bộ kinh.
Rời cổ thành Ca Tỳ La Vệ mà lòng tôi muôn vàn lưu luyến. Một miền đất tràn ngập bao điều huyền nhiệm và lòng tiếc thương vô hạn.
- Nguồn: http://www.thegioiphatgiao.vn
0 nhận xét:
Sẻ Chia Yêu Thương
Những tấm gương người tốt việc tốt, những câu chuyện cảm động về tình cảm giữa con người với con người luôn có mặt trong đời sống của mỗi chúng ta. Nếu bạn bắt gặp những câu chuyện ấy, xung quanh mình, hay ngay chính cuộc sống của mình, hãy chia sẻ với Hoa Tâm theo địa chỉ: Hoatam@outlook.com