Các bạn thân mến!
Khi các bạn có chút thời gian rảnh, mong các bạn dành ít phút đọc câu chuyện dưới đây về 16 anh em mồ côi ở mái ấm Hướng Dương cùng vào đại học. Mình tin chắc không ai không khỏi xúc động về những nỗ lực hết sức lớn lao của các em nhằm vươn lên trong cuộc sống bất hạnh đang đeo bám các em. Những gì các em đạt được đến ngày hôm nay đã là nỗ lực hết sức phi thường, vấn đề trước mắt các em: cánh cửa đại học đã mở nhưng để đi hết con đường phía trước thì thật sự vẫn đang là dấu chấm lửng…..
Sẽ có bạn nghĩ rằng: có nhiều nhà hảo tâm sẽ hỗ trợ các em, mái ấm sẽ lo cho các em nhưng nếu dừng lại ít phút suy nghĩ thêm, các bạn có thể hình dung được sự thật rõ ràng hơn: Mái ấm còn rất nhiều các em mồ côi, khuyết tật cần giúp đỡ. Chỉ mỗi cái ăn, cái mặc, tật bệnh của các em là cả vấn đề khó khăn chồng chất. Đó là lý do hầu hết các em lớn đều phải tự thân vận động. Các nhà hảo tâm tuy nhiều nhưng chắc chắn vẫn không đủ cho hàng ngàn cánh tay đang cần giúp đỡ khác. Nếu có dịp các bạn hãy một lần ghé thử một trung tâm cơ nhỡ hay một mái ấm tình thương nào đó ở gần nơi mình đang sống, các bạn sẽ có dịp cảm nhận rõ hơn những khó khăn, thiếu thốn của những mảnh đời bất hạnh ấy.
Chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe đâu đó rất nhiều bài báo viết về việc ăn chặn, cắt xén số tiền giúp đỡ của các mạnh thường quân dành cho các em nhỏ hoặc người già không nơi nương tựa mà chạnh lòng, tức giận. Nhưng nếu chỉ vì một vài cá nhân ích kỷ mà chúng ta phớt lờ những cánh tay đang cầu cứu thì nỗi bất hạnh của các em càng thêm chồng chất.
Qua bài viết này, mình thật lòng mong các bạn cùng sẻ chia giúp đỡ các em được đi tiếp con đường học vấn một cách trọn vẹn, đây sẽ là nền tảng cho các em có cuộc sống tốt hơn sau này. Mình tin chắc từ 16 con người của ngày hôm nay sẽ có những người tiếp bước người thầy Nguyễn Thế Vinh của họ để tiếp tục giúp đỡ các em nhỏ khác có cùng cảnh ngộ. Trước đây, mình đã từng may mắn biết đến hai Học bổng Nguyễn Thị Minh Khai và Lá Xanh. Điều mà mình thấy là có rất nhiều người trong số những bạn trẻ nghèo khó ngày nào giờ đã thành công và họ lại tiếp tục giúp đỡ những người khác như là hành động đáp trả ân tình của những mạnh thường quân tốt bụng ngày nào dành cho họ. Mặc dù số tiền họ nhận được rất ít ỏi (Nguyễn Thị Minh Khai: 30.000vnd/tháng, 50.000vnd/tháng, Lá Xanh: 88.000vnd/tháng, 112.000vnd/tháng – tại thời điểm đó) tưởng chừng như không thể giúp ích gì cho các em nhưng thật sự gia đình họ luôn rươm rướm nước mắt mỗi khi nhận được vì để kiếm được dăm ba chục ngàn đối với họ cũng là cả quá trình vất vả. Hàng tháng những người tình nguyện thì phải đi gõ cửa từng cơ sở, xí nghiệp, gia đình để quyên góp rất khó khăn. (mình dùng từ “gõ cửa” là còn thiếu bởi chưa kể là phải ngồi chờ mòn mỏi mặc dù mạnh thường quân đã tự nguyện hỗ trợ trước đó).
Mình sẽ liên hệ với mái ấm ngỏ lời hỗ trợ hai em trong thời gian học đại học với một số tiền nhỏ hàng tháng (giống chương trình Lá Xanh và Nguyễn Thị Minh Khai) để đỡ đần phần nào cho các em khi học trên HCM. Sức người có hạn, một tay không thể tát cả biển đông nên mình hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn cùng hành động “mỗi bàn tay nắm lấy một bàn tay” để giúp các em còn lại có điều kiện ăn học đến cùng.
Rất mong các bạn dành chút thời gian suy nghĩ nhưng cũng đừng quá bận tâm nếu chưa thể giúp gì được cho các em vì hiện tại mọi người vẫn còn nhiều mối lo toan cho gia đình và cuộc sống của mình. Chỉ cần các bạn đáp lại bằng một nụ cười chân tình, bằng ánh mắt cảm thông đã là tình cảm cao đẹp dành cho các em rồi.
Thân mến!
Hoằng Đảm & Diệu Thanh
********************************************
16 anh em mồ côi cùng vào đại học
16 anh em mồ côi cùng vào đại học
Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương) do nghệ sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Thế Vinh thành lập. Ngày bé, trong một lần đi chăn bò bị ngã gãy tay, do chữa chạy không đúng cách nên cánh tay bị hoại tử, sau đó cậu bé mồ côi Nguyễn Thế Vinh vượt qua muôn vàn khó khăn để theo đuổi việc học.
Tốt nghiệp đại học, anh về Bình Dương vừa dạy học, vừa chơi đàn guitar, thổi harmonica bằng một cánh tay còn lại, kiếm sống. Từ cuộc đời mình, thấu hiểu cho số phận của các em có hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Thế Vinh đi khắp nước, đến từng ngôi trường, từng mái nhà tìm các em có chí học tập nhưng gia cảnh nghèo khó. Cảm phục người thầy, các em về trung tâm Hướng Dương với khát khao học để thành tài, thành người có ích.
Những cánh hướng dương dũng cảm
Các em ở trung tâm đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em còn cha hoặc mẹ nhưng đều đã già yếu, không đủ sức lo cho con được đến trường. Trong 16 em đậu đại học năm nay, có nhiều em đạt kết quả cao như Lê Thành Xuyên, quê Thái Bình, mồ côi cha, mẹ đi làm thuê, thi vào khoa Điện tử ĐH Bách khoa đạt 21 điểm.
Em Cáp Minh Luận, quê Quảng Trị, mồ côi cha, thi đỗ khoa Cầu đường trường ĐH Giao thông Vận tải với 20 điểm. Em Lê Tiến Duy, ở Tánh Linh, Bình Thuận, cha mẹ đều làm thuê không có tiền nuôi em ăn học, em đạt 21,5 điểm khi thi vào khoa Điện tử, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Em Lưu Thị Thu Hường, mồ côi cả cha lẫn mẹ, quê Thừa Thiên - Huế, đỗ vào khoa Ngân hàng trường ĐH Sài Gòn với 21 điểm…
Lúc chúng tôi đến, các em đang xúm xít nấu cơm chuẩn bị bữa trưa. Các em học buổi chiều tranh thủ ôn lại bài. Nhiều em vừa thi đậu đại học giờ vẫn còn đang đi làm thêm ở các Cty, xí nghiệp.
Em Kinh Văn Xuân, quê Bắc Bình, Bình Thuận, thi đỗ khoa Sư phạm Toán trường ĐH Sài Gòn với điểm số 18,5 kể: “Hiện em đang làm bảo vệ cho Cty chế biến nhôm Liên Hòa, lương 2 triệu/ tháng. Em cố gắng dành dụm để chuẩn bị về TPHCM học. Nhiều bạn ở trung tâm Hướng Dương cùng thi đỗ đại học năm này đều làm bảo vệ kiếm thêm thu nhập giống em, như các bạn Trần Văn Lãm, Nguyễn Đình Phi, cả hai vừa đậu khoa Quản trị Kinh doanh ĐH Sài Gòn”.
Xuân kể, gia đình em có 6 anh chị em, cha mất sớm, hoàn cảnh khó khăn nên không có ai được đi học. Xuân may mắn theo được đến lớp 12, vừa học vừa phụ việc đồng áng trong gia đình…
Em Lưu Thị Thu Hường, đỗ khoa Ngân hàng ĐH Sài Gòn với 21 điểm, vừa dọn chén bát vừa tâm sự: “Em làm ở Cty may, tháng được gần 2 triệu đồng. Mùa hè em làm tăng ca 12 tiếng/ ngày, làm từ 7h30 sáng đến 9h đêm. Các bạn Luận, Duy, Thanh, My vừa đậu đại học cũng làm may, làm da giày với em. Tụi em vừa học vừa tranh thủ làm thêm kiếm tiền sắp tới vào nộp học”.
Hường sinh năm 1993 nhưng giọng nói cứng cỏi, già dặn. Quê ở Thừa Thiên – Huế, bố mẹ là thanh niên xung phong đi kinh tế mới ở Đạ Tẻh, Lâm Đồng từ năm 1978. Cô bé kể, cả bố và mẹ em đều mất sớm.
Lưu Thị Thu Hường và Xuân (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn
ở Trung tâm Hướng Dương trong bữa cơm gia đình.
Quyết học đến cùng
Cả 16 cánh hướng dương vượt vũ môn đều phải tần tảo, kiếm việc làm thêm để mưu sinh, để tích cóp từng đồng tiền trang trải cho năm học mới. Khi được hỏi về chặng đường tiếp theo đầy gian nan ở giảng đường đại học, các em đều khẳng định sẽ quyết học đến cùng.
“Mấy tháng hè em đi làm thêm dành dụm được một ít, khi vào Sài Gòn sẽ kiếm việc làm, trang trải học phí. Các thầy cô, anh chị ở trung tâm đã giúp đỡ em rất nhiều, thầy Vinh hứa sẽ cố gắng lo cho em học đại học. Thế nhưng em muốn được tự kiếm tiền nuôi sống bản thân và nộp học, Trung tâm vẫn còn rất nhiều em đang học cấp 2, cấp 3, gia đình nghèo khó, cần giúp đỡ rất nhiều”, chàng “bảo vệ” Kinh Văn Xuân thổ lộ.
Dù biết con đường đến giảng đường còn lắm gập ghềnh, nhưng cô bé mồ côi Lưu Thị Thu Hường vẫn tỏ ra hết sức vững tin: “Về TPHCM em sẽ kiếm việc làm thêm, ngoài ra cố gắng đi dạy kèm, trang trải học phí. Nhiều bạn ở Trung tâm Hướng Dương cùng học một trường, hoặc các trường gần nhau nên sẽ ở chung, tiết kiệm được nhiều khoản.
Từ lâu mọi người đã là anh em một nhà, giờ về TPHCM đùm bọc, giúp đỡ
Theo Lê Quang Minh (Tiền Phong)
0 nhận xét:
Sẻ Chia Yêu Thương
Những tấm gương người tốt việc tốt, những câu chuyện cảm động về tình cảm giữa con người với con người luôn có mặt trong đời sống của mỗi chúng ta. Nếu bạn bắt gặp những câu chuyện ấy, xung quanh mình, hay ngay chính cuộc sống của mình, hãy chia sẻ với Hoa Tâm theo địa chỉ: Hoatam@outlook.com