December 20, 2013

Cô giáo về hưu xây cầu cho dân đi

(Dân trí) - Tự mình gom góp những đồng lương hưu ít ỏi tích cóp sau mấy mươi năm dạy học, cô giáo về hưu tự nguyện bỏ tiền túi của mình, vận động nhiều giáo viên khác cùng những học trò cũ xây một cây cầu cho người dân để họ không phải thấp thỏm lo âu vào mùa lũ.

Người có nghĩa cử cao đẹp đó là cô Bùi Thị Một, cựu giáo viên dạy văn Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). 

Về làng Hà Tân (xã Đại Lãnh), hỏi nhà cô Một, ai cũng nói “Nhà cô Một xây cầu hả” rồi họ chỉ về phía cuối làng nơi nhà cô nằm ngay bên bờ sông Côn.

Người làng Hà Tân xưa nay cứ vào mỗi mùa mưa bão phải thấp thỏm lo âu về việc đi lại. Nhiều người bị té ngã, bị thương tích đầy mình khi phải đi qua cây cầu tạm bắc qua sông Côn xập xệ. Mùa mưa, nước sông Côn dâng cao chia cắt người dân trong thôn với bên ngoài, vậy là người dân phải đi vòng vèo mới có thể ra ngoài được. Có biết bao nhiêu vụ té ngã vì qua cầu tạm mà người dân ở nơi đây không thể nào đếm xuể. Cụ Trần Văn Thường (75 tuổi) còn nhớ như in vào mùa lũ năm ngoái, cụ đạp xe băng qua cầu tạm thì không may bị dòng nước xoáy kéo chiếc xe đạp trượt ngã xuống dòng nước.

“May lúc đó tôi vững chân trụ lại được với dòng nước, còn chiếc xe đạp cũ bị dòng nước xiết cuốn đi. Cũng từ đó, mỗi khi qua đây đều thấy sợ.” - cụ Thường nhớ lại. Còn với em Phạm Thanh Hải (học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ) lại có một phen hú vía khi qua cầu cách đây không lâu.

“Hồi đó cầu chỉ là cầu tạm với những tấm đan bê tông. Lúc đó trời mưa to em đi bộ qua cầu thì không may bị thụp chân xuống hố. May chỉ bị trầy xước nhẹ. Sách vở của em bị ướt hết.” - Hải cho biết.

Trăn trở với những khó khăn của người dân khi qua cầu tạm đã xuống cấp nghiêm trọng, với lòng yêu thương các học trò của mình khi phải run sợ khi qua cầu tạm và trách nhiệm của một người Bí thư chi bộ thôn, cô Một đã tìm phương án vận động nguồn kinh phí xây cầu mới. “Địa phương mình còn nghèo, nguồn ngân sách xã cũng còn eo hẹp nên mình muốn đóng góp một cái gì đó cho quê hương khi còn sức lực” - cô Một bày tỏ.

Nghĩ là làm, cô Một đã dùng những đồng lương hưu của mình đóng góp vào nguồn ngân sách xây cầu rồi vận động những đồng nghiệp, những người bạn hưu trí của mình cùng chung tay góp sức xây dựng cầu cho bà con an tâm đi lại. Hơn 40 người con của quê hương Đại Lãnh, 12 giáo viên về hưu bạn bè của cô cùng hàng chục các thế hệ học trò đã cùng chung tay đóng góp công sức, tiền của để cây cầu sớm được hoàn thành. Cựu học sinh của cô đang học ở trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã về vùng quê Đại Lãnh để cùng thiết kế bản vẽ và dự trù kinh phí xây cầu. Hơn 1 tháng xây cầu, các học trò của cô thay nhau về giám sát kỹ thuật, đôn đốc công trình để cây cầu hoàn thành đúng thời gian dự kiến.
“Mấy chục năm dạy học bây giờ thấy học trò cũ mình về nhiệt tình với công việc như vậy, tôi thấy cảm động, ấm áp lắm. Trong 1 tháng xây dựng cầu, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tôi lúc nào cũng thấy vui trong lòng vì đã làm được một việc có ích cho bà con chòm xóm”- cô Một nghẹn ngào nói.
Bà con làng Hà Tân giờ đã có cầu mới.

Sau 1 tháng xây dựng, tháng 4 năm 2013, cây cầu mới mang tên Bàu Làng đã hoàn thành với chiều dài 6 m, rộng 4 m, dầm bê tông dày gần 10 cm, tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Ngày khánh thành cầu, nhiều người dân làng Hà Tân không cầm được dòng nước mắt hạnh phúc vì không còn phải lo sợ khi đi qua khúc sông này nữa.

Bà Trương Thị Minh Phương - phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: “Chính quyền địa phương rất cảm ơn và ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của cô giáo Bùi Thị Một khi đã xây một cây cầu vững chắc cho nhân dân an tâm đi lại. Cô xứng đáng là một điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.”

Hà Thế An

0 nhận xét:

Sẻ Chia Yêu Thương

Những tấm gương người tốt việc tốt, những câu chuyện cảm động về tình cảm giữa con người với con người luôn có mặt trong đời sống của mỗi chúng ta. Nếu bạn bắt gặp những câu chuyện ấy, xung quanh mình, hay ngay chính cuộc sống của mình, hãy chia sẻ với Hoa Tâm theo địa chỉ: Hoatam@outlook.com

Technology