November 8, 2013

“Hôm nào nhà hết gạo, cháu lại ăn chuối… thay cơm”

(Dân trí)- Lời thằng bé như mũi dao đâm vào trái tim chị: “Nếu một mai con chết đi, con sẽ phù hộ cho vườn chuối của mẹ lúc nào cũng ăm ắp quả để mẹ bán có tiền. Như thế thì mẹ sẽ không còn lo bị đói nữa và con cũng sẽ yên tâm”…

Ngồi lặng lẽ một mình ở dãy ghế trước cửa phòng bệnh của con, người mẹ nghèo Nguyễn Thị Nụ không ngừng khóc. Đôi mắt đỏ hoe, giọng mếu máo, chị cho biết: “Con vừa nhập viện ngày hôm qua, hôm nay phải đi đóng tiền viện phí nhưng tôi không có tiền cô ạ. Mỗi lần lên viện, bác sĩ đã cho hẹn từ trước rồi nhưng không làm cách nào có tiền cả, mà con thì đau đớn quá nên cứ đánh liều mang cháu lên bệnh viện thôi”.

Bị căn bệnh ung thư máu đã 3 năm khiến cơ thể của Vũ trở nên yếu ớt.

Nằm trên giường bệnh, cậu bé Nguyễn Tuấn Vũ dù đã 14 tuổi nhưng yếu ớt, gương mặt sạm đen và đôi mắt đang đỏ hoe, ăm ắp nước. Có lẽ em cũng đã biết mẹ không có tiền đóng viện phí nhưng lực bất tòng tâm nên tủi thân nằm khóc. Liên tục lấy tay gạt nước mắt, có lúc em lại cố tình lấy chiếc gối che mặt đi vì sợ những ánh mắt đang nhìn mình. 

Đánh liều đưa con lên viện nhưng chị Nụ không có lấy một đồng đóng viện phí.

Tháng 10/2010, từ một cậu bé khỏe mạnh, chăm chỉ lam làm giúp mẹ, Vũ đột ngột lên cơn sốt và sau đó không lâu được phát hiện căn bệnh ung thư máu. Kết quả về căn bệnh của con khiến chị Nụ như chết điếng người, đợt lên bệnh viện Huyết học và truyền máu TW lần đầu tiên, cả mẹ, cả con đều ngất lên ngất xuống buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm, láng giềng.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo ở đội 7, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, mọi thu nhập của gia đình đều trông chờ vào những nải chuối trồng được ở vườn. Những năm con chưa bị bệnh, mỗi nải chuối chín chị cũng bán được dăm, ba chục nghìn, tằn tiện cũng đủ tiền thức ăn hàng ngày. Nhưng từ 3 năm nay, dù có lúc chặt cả vườn chuối đi bán nhưng cũng chẳng thấm vào đâu cho một lần con đi viện.

Căn bệnh khiến cho Vũ phải nghỉ học, thay bằng đôi tay để viết chữ, hàng ngày em phải chịu kim truyền hóa chất.

Nhớ lại khoảng thời gian trước kia,chị Nụ rưng rưng cho biết: “Ngày ấy, hôm nào nhà hết gạo là thằng Vũ lại ăn chuối thay cơm rồi đi học. Thằng bé ngoan lắm, chẳng bao giờ đòi hỏi tôi cái gì cả, nhiều hôm nó còn mang chuối đi bán cho mẹ nữa vì sợ mẹ đi nhiều vất vả. Ấy thế là đánh đùng một cái, giờ thì nó chỉ nằm bẹp một chỗ thế kia”.

14 tuổi, Vũ không còn nhỏ để mơ hồ về căn bệnh của mình nữa. Bao nhiêu lần chứng kiến cảnh các bạn lần lượt ra đi, em biết rồi sẽ có ngày mình cũng dời xa mẹ như thế. Nhưng khái niệm về “cái chết” vì căn bệnh ung thư với một cậu bé như em sao tàn nhẫn, trớ trêu đến vậy. Nhiều đêm giật mình tỉnh giấc, Vũ sợ đến toát mồ hôi bởi người bạn nằm cạnh giường mình lên cơn co giật rồi cứ lịm dần chẳng bao giờ tỉnh lại nữa. Thương con, chị Nụ chỉ biết ôm chặt lấy thằng bé nhưng tiếng nấc nghẹn mãi không thôi cho đến khi trời sáng. 

Thương mẹ nhưng bản thân Vũ không biết làm cách nào cả nên lúc nào cũng buồn thiu.

Lần này đi viện, cũng như những lần trước, không có tiền nên mỗi lần đi mua cơm, chị chỉ dám mua một suất cho con, còn bản thân mình thì nhịn vậy. Những lúc con yếu người, chỉ ăn được một chút lại là những bữa mẹ có cái ăn vì suất cơm thừa nhưng nước mắt mặn chát chan cả vào âu cơm. Sức khỏe của con ngày một yếu dần, bác sĩ cho biết Vũ đang trong tình trạng suy tủy, suy gan và các bộ phận khác trong cơ thể nên chị lo lắm. Từng giây, từng phút trôi qua ở bệnh viện, không lúc nào dời mắt khỏi con vì sợ điều chẳng lành sẽ đến.

Sức khỏe ngày một yếu, em chỉ có điều ước "Nếu chết đi sẽ phù hộ cho vườn chuối của mẹ ăm ắp quả để mẹ không lo đói".

Ngồi gần phía Vũ đang nằm truyền hóa chất, đôi mắt em mờ đục, yếu trông thấy, em nói với tôi: “Cháu thấy mệt lắm cô ạ. Có khi nào cháu không sẽ không sống được nữa không cô?”. Câu hỏi của em khiến tôi giật mình, thảng thốt không biết trả lời sao. Không lẽ, thằng bé đang đếm ngược từng phút trôi qua được gần bên mẹ để rồi nghĩ đến ước mơ “phù hộ cho vườn chuối của mẹ luôn ăm ắp quả” như nó đã nói với chị Nụ?. Nghĩ đến câu nói của Vũ, tôi càng lo sợ hơn cho chị Nụ bởi không biết người mẹ thương con hơn chính mạng sống của mình sẽ ra sao khi một mai không còn đủ sức giữ con trên cõi đời này nữa.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1220: Anh Nguyễn Văn Hà và chị Nguyễn Thị Nụ (Đội 7, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên)
Số ĐT: 01677.203.585
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487 
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank: Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 


Phạm Oanh

'Thiên thần' của những bệnh nhân phong

"Cô ăn tạm miếng sắn", một chị ngọng líu đặt 2 miếng sắn nóng hổi lên bàn y tá Xuân. Lát sau, một cụ bà què cụt cũng mang đến vài đốt mía. Như lần trước, nữ y tá mỉm cười cảm ơn.

Nắng sớm len lỏi qua then cửa sổ, nhẹ hắt lên khuôn mặt hiền từ của một phụ nữ phúc hậu. Trên chiếc bàn phủ tấm khăn hoa, y tá Nguyễn Thị Xuân (57 tuổi) chuyên tâm nghiên cứu cuốn sách vừa được phổ biến về quyền của người khuyết tật. Đa phần bệnh nhân phong đã vào trại vài chục năm, nhiều người còn không biết chữ nên bà phải đọc kỹ để giúp họ nhận đủ quyền lợi của mình. Với những bệnh nhân phong, bà như người thân.

Y tá Xuân chăm sóc cho những bệnh nhân phong hàng ngày. Trong ảnh, ông Hiền (75 tuổi) bị cụt cả chân tay. Giờ ông còn bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ảnh: Phan Dương. 

Y tá Xuân sinh ra trong gia đình có 5 chị em ở Quế Võ (Bắc Ninh), thuở lên 3 đã mất mẹ, lên 10 mất cha. Lớn lên bà làm nghề dạy mẫu giáo. Cuộc đời bà cứ bình lặng trôi bên đám trẻ và yên ổn làm một con chiên ngoan đạo cho đến năm 31 tuổi. 

"Lần đầu vào trại phong Quả Cảm, tôi gặp cụ ông 84 tuổi. Cụ nằm trên mấy ván gỗ ghép lại ở góc nhà tối om, mùi thịt thối rữa kinh khủng. Cụ cô độc, chỉ mong được gặp con cháu lần cuối nhưng không người thân nào vào thăm", bà Xuân kể và cho biết đã an ủi, tắm rửa, hẹn tuần sau lại lên với cụ. Thế nhưng tuần sau lên thì cụ đã mất. Chỉ có 4 người khiêng cụ chôn dưới chân núi, không con cháu, không một tiếng khóc thương, một vành khăn trắng.

Cũng từ đó, cứ ngày nghỉ là cô giáo Xuân lại lén đến trại phong. Cô không ngại bế cõng, tắm rửa, đút cơm cháo hay dọn phân cho những bệnh nhân bị con "ma hủi" ăn mòn từng ngón chân, ngón tay. Người thân nói cô là gàn dở, thần kinh... Buồn nhưng cô vẫn bỏ ngoài tai để đến với những người bất hạnh.

"Tôi cũng sợ lắm, sao mà chịu được khi vào những căn phòng nặng mùi thối rữa. Thời gian đầu tắm rửa, dọn phân, bế cõng người bệnh là tôi phải cầu nguyện xin được tiếp sức, phải xem họ như cha mẹ, người thân của mình", y tá Xuân từ tốn nói.

Sau nửa năm lặng lẽ chăm sóc bệnh nhân, lãnh đạo trại phong Quả Cảm đề nghị nhận bà Xuân về làm y tá. Năm 1988, bà giã từ nghề dạy học vào Quy Nhơn học trung cấp y. Học xong bà phải chờ hơn một năm mới có quyết định công tác của tỉnh Hà Bắc (tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trước đây) vì không ai tin lại có người tình nguyện vào trại hủi.

Trong khoảng thời gian chờ việc, y tá Xuân đi khắp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam... và tìm được 11 trại phong. Đến mỗi nơi bà đều ở lại một thời gian chăm sóc người bệnh. Nhờ chuyến đi này mà bà thiết lập được đầu mối với trại phong ở các tỉnh. Từ ngày đó đến nay bà đã giúp được họ tiền nước nắm hàng tháng và tiền học bổng cho con người bệnh từ các cấp nhỏ lên đến đại học, sau đại học.

"Tuy số tiền ủng hộ không nhiều nhưng nhà ai cần trâu cho trâu, cần nhà cho nhà, hay cần tiền lo việc đại sự cho con cái mình vẫn có thể giúp đỡ. Đợt trước xây được 30 ngôi nhà ở Điện Biên, cho mỗi nhà một con trâu, đến nay họ báo lại đã có đàn trâu rồi", y tá Xuân cười hiền từ.

Cặp vợ chồng anh Vị, chị Và nên duyên nhờ y tá Xuân mai mối. Ảnh: Phan Dương. 

Ngày nay xóm nhỏ của bệnh nhân trại phong Quả Cảm nằm sau Bệnh viện Phong và Da Liễu (Bắc Ninh). Xóm có 100 cụ ông, cụ bà, 26 cháu nhỏ và 22 con cháu của bệnh nhân đã lập gia đình vẫn sinh sống ở đây. Mỗi gia đình/cá nhân một phòng, có đường đi lối lại sạch sẽ. 

Hầu hết con cái của bệnh nhân phong đều được y tá Xuân giúp đỡ cho đi học và có công việc ổn định. Năm ngoái bà vận động xây được hơn 500 ngôi mộ vô danh cho những bệnh nhân phong đã mất. Mỗi tháng ngoài hưởng tiền trợ cấp đủ sống tằn tiện, họ vẫn có đất để trồng rau, chăn nuôi kiếm thêm. 

Chăm lo cho bệnh nhân phong từ cái ăn, cái mặc, "thiên sứ" này còn nâng niu họ từng bước chân. Năm 1991, bà Xuân vào TP HCM học gò sắt làm chân giả. Trong suốt 7 năm, bà đã làm hàng trăm đôi chân giả đủ chất liệu cho bệnh nhân ở đây và các trại phong lân cận. Đến năm 1999, bà lại vào Quy Hòa (Quy Nhơn) học làm dép chỉnh hình cho những đôi chân cụt.

Ngày nay cuộc sống của người phong đã đỡ khó hơn trước nhưng vẫn còn những điều khiến y tá Xuân không nguôi trăn trở. Có người ốm, mất không người thân đến thăm. Có người nhà cách đây chỉ chục km, mong một lần về thắp hương cho cha mẹ cũng không được... 

Đa phần bệnh nhân phong sống cô độc, bị người thân xa lánh. Riêng cụ Hiền là trường hợp may mắn hiếm hoi. 4 tháng nay, anh Đức (Hà Nội) bỏ vợ con, công việc lên đây chăm bố. Lúc nào bên giường ông cụ cũng có 2 cốc nước trắng, sữa hoặc hoa quả. Ông cụ bị hoại tử vùng mông không đi ngoài được.

"Có đêm Đức phóng xe ra thành phố mua thuốc tốt cho bố. Lúc về sợ các cụ khó ngủ, anh dắt xe từ cổng vào. Chăm sóc bố, Đức cũng giúp đỡ các cụ bên cạnh. Nếu cụ nào cũng có người con như Đức thì tôi sẽ bớt đi phần trăn trở", y tá Xuân chia sẻ.

Dù được nghỉ hưu nhưng y tá Xuân vẫn xin ở lại trại phong để tiện ngày đêm chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Phan Dương. 

Trong một căn nhà sơn xanh phía sau Bệnh viện Phong và Da Liễu (Bắc Ninh), ông Bích (68 tuổi, Thanh Hóa) bồng đứa cháu hơn 2 tuổi bằng đôi tay què cụt. Ông cười nói: "Nhờ cô Xuân cứu giúp mà cuộc đời tôi mới được thế này".

So với xung quanh, căn nhà ông Bích mới, rộng nhất. Trong nhà có đầy đủ đồ đạc cần thiết. Ngoài sân cô con dâu đang phơi quần áo. Anh con trai làm cơ khí ngoài thành phố cũng vừa về. "Ngày tôi bệnh nặng chuyển vào đây được bà Xuân chăm sóc. Lúc khỏe lên thì bà ghép cho lấy vợ. Con của tôi được bà Xuân nuôi ăn học từ nhỏ lên trung cấp, đại học và xin việc cho. Năm 2002, tôi bị dạ dày thập tử nhất sinh cũng nhờ bà đưa đi viện. Tất cả người lớn nhỏ ở trại phong Quả Cảm đều được bà Xuân cứu giúp", ông Bích cho biết.

Cách đây một năm bà Xuân được nghỉ hưu nhưng vẫn xin tiếp tục cống hiến phần đời còn lại cho bệnh nhân phong. Hàng ngày bà lo mọi chuyện "thập cẩm" như sửa đinh, lắp chân giả, kêu thợ sửa nhà cho các cụ hay lo ma chay, cưới hỏi... Tuy những công việc "nhỏ nhặt" nhưng lại không thể thiếu bàn tay nữ y tá này.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu (Bắc Ninh), y tá Nguyễn Thị Xuân đã có 26 năm công tác ở bệnh viện, được bệnh nhân kính trọng, đồng nghiệp yêu quý. Bà Xuân không lập gia đình mà dành cuộc đời mình cứu giúp những bệnh nhân phong. Bà đã được nhiều giấy khen của tỉnh, trung ương nhưng với bà, phần thưởng vô giá nhất là đã giúp những bệnh nhân phong tự tin được trở lại làm người bình thường.

Nguồn : http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/thien-than-cua-nhung-benh-nhan-phong-2904486.html

Technology