June 23, 2012

Ông lão 80 tuổi nuôi 3 con tâm thần

Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, suốt nửa thế kỷ qua ông Trương Bá Vinh ở Triệu Sơn, Thanh Hóa chưa một ngày nghỉ ngơi vì phải chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho những đứa con tật nguyền.


Gia đình ông Trương Bá Vinh (80 tuổi) trú tại xóm 3, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Thời trẻ, ông làm công nhân quân giới rồi chuyển sang làm cho ngành giao thông vận tải tỉnh.

Kết hôn cùng bà Lê Thị Mơn ít lâu, ông và vợ liên tiếp chịu những nỗi đau quá lớn khi sinh được 6 người con thì đến 3 đứa mang bệnh tâm thần, lần lượt là Trương Bá Mai (sinh năm 1962), Trương Thị Tuyên (1967) và Trương Bá Huấn (1972).
Ông Vinh cùng ba người con đều đã 40, 50 tuổi 
nhưng ngơ ngẩn không biết gì. Ảnh: Văn Định.

“Sinh ra, Mai, Tuyên, Huấn đã sớm bộc lộ những điều không bình thường, lớn mà không biết nói, không kiểm soát được hành động, cứ ngu ngơ, thường xuyên đau ốm. Vợ chồng tôi khi ấy cứ lấy bệnh viện làm nhà, đều đặn cả tháng đưa các con đi viện, mong sao chữa lành bệnh cho các con", ông Vinh chua xót kể.

Nhưng chẳng những không đỡ, bệnh tình của các con ông ngày một xấu đi. Các bác sĩ cũng phải lắc đầu vì không có phương thuốc nào chữa được. Cả 3 người con ấy có lớn mà không có khôn. Trương Bá Mai thì suốt ngày lang thang theo lũ chăn trâu đến tối mịt, ông bà phải đi tìm về.

“Có hôm, tối không thấy con, hai vợ chồng tá hỏa đi tìm khắp nơi nhưng không thấy, chạy ra cánh đồng thì thấy con đang ngồi ngoài đó vì không biết đường về”, người cha già buồn bã kể.

Người con gái Trương Thị Tuyên năm nay đã ngoài tứ tuần nhưng ngu ngơ, ai bảo gì nghe nấy, nhiều khi lên cơn tâm thần là xé nát hết quần áo. Còn người con trai út là Trương Bá Huấn thì lẩm bẩm cả ngày, suốt ngày lang thang khắp làng trên, xóm dưới.

Vì chăm con bệnh tật, lại chạy lo từng bữa nên bà Mơn cũng kiệt quệ và ốm liệt giường. Từ đó ông Vinh phải cáng đáng hết mọi chuyện trong gia đình. Rồi người vợ già cũng không chiến thắng nổi bệnh tật, qua đời năm ngoái để lại ông và các con điên dại trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ.

Ngoài 80 tuổi nhưng ông Vinh vẫn phải làm mọi việc lớn nhỏ 
trong nhà để chăm sóc 3 người con. Ảnh:Văn Định.

Bà Minh, hàng xóm nhà ông Vinh kể: “Tôi chưa thấy ai khổ như gia đình ông ấy, con cái tật nguyền, ú ớ chẳng biết gì, ở tuổi già như ông đáng ra còn có con cái xum vầy đằng này cứ lủi thủi làm một mình, bà con xung quanh ai cũng thương”.

Giờ đây, khi đã ở tuổi ngoài 80 nhưng ông Trương Bá Vinh chưa một ngày được thảnh thơi. Ba người con đầu đi làm ăn xa và đã lập gia đình nhưng vì cuộc sống vất vả, khó khăn nên họa chăng mỗi năm họ chỉ về thăm cha được một lần.

Còn ba người con bệnh tật giờ đây đã luống tuổi nhưng chẳng biết gì, hoàn toàn sống dựa vào bàn tay người cha đã gần đất xa trời. Những hôm trái gió trở trời là các con ông lại lên cơn đau dữ dội, cứ lăn khắp nhà, la hét ầm ĩ.

“Nhiều khi cũng muốn tìm cho các con một mái ấm gia đình riêng nhưng chỉ sợ con cái nhà người ta khổ nên đành thôi”, ông tâm sự.

Cả gia đình bốn miệng ăn giờ đây trông chờ vào đồng lương hưu ít ỏi của ông và tiền trợ cấp bệnh tật của các con, nhưng số tiền cũng chẳng thấm vào đâu khi bệnh tật vẫn đeo bám họ.

“Cũng may 3 người con đầu tuy nghèo túng nhưng vẫn tự lo trang trải được cho mình, tôi cũng bớt đi phần nào lo lắng”, ông Vinh buồn bã nói thêm.

Ông Hứa Đình Nam, chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết: “Gia đình ông Vinh có hoàn cảnh bất hạnh nhất xã, tuổi già, sức yếu nhưng vẫn phải chăm sóc con tật nguyền, xã cũng đã có những chính sách hỗ trợ, thăm hỏi động viên nhưng vì xã cũng đang thuộc diện khó khăn nên chỉ được phần nào”.

Độc giả quan tâm xin liên hệ: Ông Trương Bá Vinh, trú tại xóm 3, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Số điện thoại: 0373547758

Văn Định
Vnexpress.net



Nhà thương trong chùa

Đau thần kinh tọa, viêm xoang, bệnh xương khớp, bại liệt, nhiều bệnh nhân không có tiền đến bệnh viện nên vào Tịnh xá Linh Quang, quận 4, TP HCM, để được chữa trị và cho thuốc uống.
Trực thuộc Hội chữ thập đỏ quận 4, Linh Quang tịnh xá nằm trên đường Nguyễn Khoái có hơn 20 năm phục vụ miễn phí cho người bệnh nghèo. Việc khám chữa và cấp thuốc Đông y diễn ra các sáng thứ 2-4-6 trong tuần; riêng chủ nhật khám Tây y. Từ 6h sáng, bệnh nhân từ khắp nơi đã đến ghi danh khám bệnh và tái khám.
Sau khi đăng ký, bệnh nhân được phát số thứ tự để biết lượt khám của mình. Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 người đến khám. Để giúp người nghèo, gần 20 lương y có bằng cấp đã tự nguyện khám không công.
Bệnh nhân đến với phòng thuốc tịnh xá Linh Quang thường là những người nghèo mắc các chứng bệnh xương khớp, liệt do tai biến và viêm xoang. Tại đây, dù chỉ trong căn phòng rộng chưa đến 100 m2, song nhờ sự góp sức của các nhà hảo tâm, "bệnh viện" vẫn có đủ các thiết bị y tế.
Phòng châm cứu có 10 giường luôn chật kín bệnh nhân. Ông Phạm Văn Nhân, 67 tuổi nhà ở phường 2, quận 4, cho biết ông đã châm cứu tại đây được gần nửa năm. "Vợ chồng tôi không có con, không làm gì ra tiền, may mà có nơi đây", bệnh nhân này nói.
Mỗi bệnh nhân đến với phòng khám đều được cấp sổ khám bệnh. Lương y sẽ bắt mạch, chẩn bệnh, sau đó tùy theo từng loại bệnh mà bốc thuốc hoạt đưa ra hướng điều trị.
Chữa nhiều người khỏi bệnh, tiếng lành đồn xa, nhiều người dù không thuộc diện nghèo cũng tìm đến để xin được chữa trị tại tịnh xá. Bệnh nhân trong ảnh là một trong số người sau khi khỏi bệnh đã tình nguyện vào "bệnh viện" làm công quả.
Khu vực xông thuốc điều trị viêm xoang luôn chật kín bệnh nhân.
Đến 10h, bộ phận phát thuốc vẫn còn làm việc liền tay.
Bệnh nhân vẫn phải đợi đến lượt khám. Lượng người đến để được chữa bệnh đông hơn vào ngày chủ nhật, khi bác sĩ từ các bệnh viện tình nguyện đến khám và điều trị không tính phí.
Đại diện tịnh xá Linh Quang cho biết, việc khám chữa bệnh từ thiện tại đây bắt đầu từ năm 1989. Cả thuốc và trang thiết bị của phòng khám đều do các nhà hảo tâm đóng góp.
Lương y, bác sĩ và những nhân viên phục vụ "bệnh viện" đều là những người làm công quả. Người bệnh nghèo có thể đến đăng ký để được chữa trị tại tịnh xá.

Thiên Chương
Vnexpress.net

Technology